Bị hại xin giảm án cho bị cáo
Sáng 24/7, HĐXX TAND TP Hà Nội xét hỏi đến nhóm nhà đầu tư được xác định là bị hại hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn FLC .
Theo ghi nhận, 4 người có mặt tại tòa đứng lên phát biểu ý kiến đều có quan điểm chung "mong tòa giảm án cho bị cáo; xem xét đến phần cổ phiếu mắc kẹt được tiếp tục giao dịch hoặc bồi thường bằng tiền".
Cụ thể, anh Vũ Xuân Hoàng (ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, còn dư 1.300 cổ phiếu ROS, hiện số cổ phiếu này còn nguyên.
Đến phiên tòa hôm nay, anh mong muốn HĐXX giảm án cho bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng nhóm đồng phạm, tạo điều kiện cho họ sớm trở về hòa nhập xã hội, xây dựng lại doanh nghiệp phát triển kinh tế.
Anh Võ Thanh Nguyên (bị hại, đến từ Quận 10, TPHCM) còn giữ 200.000 cổ phiếu "họ FLC". Nạn nhân yêu cầu ông Trịnh Văn Quyết phải bồi thường thiệt hại bằng cách trả tiền mặt, hoặc tòa có thể tuyên tiếp tục cho giao dịch trở lại.
Riêng bị hại Lưu Quang Hưng (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) đánh giá vụ án này “bất thường”, bởi cá nhân anh mua 150.000 cổ phiếu ROS, đến nay cơ quan tố tụng chỉ xác định anh là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không phải bị hại. Trong khi đó, số cổ phiếu đang “mắc kẹt”.
Ông Hưng mong muốn cựu Chủ tịch FLC hãy dùng tài sản của mình để mua lại cổ phiếu của ông cũng như nhiều cổ đông không còn muốn tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp nữa...
Vợ ông Trịnh Văn Quyết nộp khắc phục thêm hơn 25 tỷ đồng
Liên quan đến khắc phục hậu quả, trong phiên xử một ngày trước, bà Lê Thị N. D. (vợ ông Trịnh Văn Quyết) có đơn gửi tới HĐXX TAND TP Hà Nội về việc nộp tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Theo đó, bà Lê Thị N. D. đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 25,1 tỷ đồng.
Trong đơn, bà D. nêu thực hiện theo mong muốn, nguyện vọng của chồng là ông Trịnh Văn Quyết về việc khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, gia đình bà đã tiếp tục huy động mọi nguồn lực, vay mượn anh em, họ hàng, bạn bè tối đa để nộp tiền khắc phục hậu quả ở mức cao nhất và đến nay gia đình chúng tôi đã vay mượn, huy động thêm được số tiền 25,1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Trước phiên xử diễn ra, luật sư bào chữa cho ông Quyết cũng thông tin, bà D. đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả 23 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền ông Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả vụ án đến nay lên gần 240 tỷ đồng.
Tại phần xét hỏi, một luật sư đặt vấn đề "trong cáo trạng bị cáo chịu trách nhiệm dân sự lên đến 4.300 tỷ đồng cho hai tội, bị cáo có ý kiến gì về nội dung này?”
Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định, nếu HĐXX tuyên án phải bồi thường, bị cáo xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng của mình đang bị phong tỏa để khắc phục.
Theo ông Quyết, hiện nay ngoài các tài sản đang phong tỏa, ông không còn thêm tài sản nào khác. Mới đây, ông được cơ quan tố tụng cho phép bán tài sản "tâm huyết" là hãng hàng không Bamboo Airways, trước mắt đã thu gần 200 tỷ đồng. Số tiền này đã chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra.
Còn khoảng 500 tỷ đồng tiếp theo từ việc bán hãng hàng không Bamboo, sau khi nhận ông Quyết sẵn sàng nộp để hoàn thành nghĩa vụ dân sự.
Ngoài ra, cựu Chủ tịch FLC cũng đang nhờ gia đình huy động thêm từ bạn bè, người thân.
“Bị cáo kính mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi để bị cáo xử lý khối tài sản cá nhân trị giá 5.000 tỷ đồng mà cơ quan điều tra phong tỏa hơn 2 năm qua", ông Quyết bày tỏ.