Chưa thể bàn giao
Liên quan đến việc bệnh viện 200 tỷ đồng ở Bạc Liêu xây xong đã hơn 1 năm qua, nhưng đến nay chưa thể đưa vào hoạt động, ông Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, đề án xây dựng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi được ban hành vào năm 2010. Thế nhưng, từ năm 2010 đến năm 2016 được đầu tư kinh phí rất ít, chủ yếu chỉ xây dựng các công trình phụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị cho thanh tra, kiểm tra kỹ, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang Cơ quan CSĐT làm rõ, không bao che sai phạm.
“Sau khi xem xét lại, dự án đã vượt dự toán ban đầu. Do đó, Sở Y tế có đề xuất nâng mức dự toán lên vào năm 2016. Cùng thời điểm này, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cũng có đề xuất thêm mua nhiều trang thiết bị hiện đại.
Sau đó, Dự án Mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu cũng đã được phê duyệt và UBND tỉnh giao Sở Y tế làm chủ đầu tư”, ông Đảo thông tin.
Cũng theo ông Đảo, dự án được ký hợp đồng vào cuối năm 2020, thời gian thực hiện là 180 ngày. Đến thời điểm này, đã vượt thời gian thực hiện dự án khá lâu, nhưng một số trang thiết bị chưa được giao. Phía bệnh viện cũng chưa chấp nhận và Sở Y tế đã có lập gia hạn hợp đồng.
Ông Đảo cho rằng, muốn bệnh viện hoạt động được phải đáp ứng 4 nguồn lực chính: cơ sở vật chất; nhân lực và bộ máy tổ chức; kinh phí hoạt động; trang thiết bị.
Ông Trần Hoài Đảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu thông tin về khó khăn, vướng mắc liên quan đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu.
Đến nay, cơ sở vật chất cơ bản đã ổn định, nhân lực tổ chức bộ máy đã đầy đủ, bệnh viện đã được UBND tỉnh cấp kinh phí hoạt động, cũng như kinh phí để trả lương.
Tuy nhiên, còn vướng mắc trong việc bàn giao trang thiết bị cho bệnh viện. Để giải quyết các khó khăn, UBND tỉnh đã có rất nhiều cuộc họp và đã có thành lập hai Tổ công tác để rà soát, đánh giá các điều kiện đưa bệnh viện vào hoạt động (có mời 3 cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị của Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM) hỗ trợ làm việc với nhà thầu và đơn vị sử dụng.
“Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với bệnh viện vẫn còn nhiều khó khăn, đang xin ý kiến. Sở Y tế đã chủ động mời Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh, Bộ Y tế đang xem xét cử một Tổ cán bộ vào hỗ trợ”, ông Đảo nói.
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin thêm, vướng mắc lớn nhất chưa thể đưa Bệnh viện Lao và Bệnh phổi vào hoạt động là ở khâu trang thiết bị y tế.
Chuyển cơ quan CSĐT nếu phát hiện vi phạm pháp luật
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, về tổ chức bộ máy của bệnh viện cũng chưa đảm bảo, phải bố trí thêm cán bộ chuyên trách các khoa, vướng nhất là ở khâu trang thiết bị y tế.
“Quá trình vận hành một số trang thiết bị bị lỗi phải dừng lại đề nghị nhà thầu khắc phục, không đảm bảo cấu hình theo hợp đồng dẫn đến không thể bàn giao. Điển hình, xe cứu thương bàn giao không đúng thiết kế ban đầu, buộc nhà thầu phải khắc phục theo ký kết.
Tổ công tác đang xây dựng báo cáo cụ thể những vướng mắc, đề xuất để trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét cho ý kiến. Mong muốn của Tổ công tác sớm đưa bệnh viện vào hoạt động để giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu”, ông Duy nói.
Tại buổi họp báo ngày 6/10 vừa qua, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phan Thanh Duy phụ trách làm việc với chủ đầu tư, Sở Y tế rà soát.
"Vấn đề nào nghiệm thu được thì đưa vào hoạt động. Vấn đề nào không được phải dừng lại để báo cáo. Đồng thời, đề nghị cho thanh tra, kiểm tra kỹ. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang cơ quan CSĐT làm cho rõ, không bao che sai phạm”, ông Thiều chỉ đạo rõ.
Trước đó, lãnh đạo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị đã có báo cáo về tổng thể thực trạng bệnh viện chưa thể tiếp nhận bệnh nhân dù đã hoàn thành hơn 1 năm. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bạc Liêu do Sở Y tế làm chủ đầu tư, có diện tích 13.000m2 (nằm trên địa bàn xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu), với kinh phí trên 200 tỷ đồng. Bệnh viện gồm 3 khu, quy mô 1 trệt, 2 lầu với 100 giường bệnh. Bệnh viện có tổng cộng 143 cán bộ nhân viên, y, bác sĩ, điều dưỡng, nhưng 1 năm qua chỉ đi tập huấn, đi học, thực tập, thao tác bảo trì thiết bị y tế; có khoảng 50% nhân lực ngồi chơi lĩnh lương. Dù chưa đưa vào hoạt động, nhưng qua kiểm tra có 3/8 máy giúp thở đã lắp đặt gặp sự cố, hư hỏng; hệ thống máy xét nghiệm trị giá hàng tỷ đồng thì không có hóa chất kín để đưa vào hoạt động. 3 xe cứu thương trị giá hơn 5 tỷ đồng, nhưng trang thiết bị theo xe lại không đúng theo hồ sơ ban đầu; hệ thống xử lý nước thải thì chưa được nghiệm thu, cấp phép hoạt động… |