Lý giải cho vấn đề này, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, do mới hoạt động lại sau dịch COVID-19, hiện số lượng hành khách đi lại tại bến còn khá ít. Tuy nhiên, ngoài lý do vì dịch bệnh, bến xe miền Đông mới còn vướng thêm nhiều lý do khác.
Theo phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, bến xe miền Đông mới do Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH một thành viên (SAMCO) làm chủ đầu tư.
Trong giai đoạn đầu, để đáp ứng được nhu cầu và thói quen đi lại của hành khách, TP Hồ Chí Minh đã di dời 21 tuyến xe phía Bắc từ bến xe miền Đông cũ ra bến xe miền Đông mới, bao gồm các tuyến từ Quảng Trị ra phía Bắc. Tuy nhiên, trong 2 năm hoạt động từ năm 2020-2021, số lượng hành khách không nhiều.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2, các tuyến còn lại sẽ được di dời ra bến xe miền Đông mới. Trong năm 2022, Samco sẽ có những chương trình đầu tư bến bãi, dành để phát triển xe bus. Hiện có 5 tuyến xe bus đang hoạt động tại bến xe miền Đông mới. Tuy nhiên, hiện nay hành khách về bến xe này chưa nhiều.
Trong thời gian tới, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc với Samco để đưa thêm các tuyến xe liên tỉnh từ bến xe miền Đông cũ ra bến mới.
Ngoài ra, các hệ thống hạ tầng xung quanh đang còn vướng công tác giải phóng mặt bằng nên chưa hoàn thiện. Những công trình này nếu được di dời, thi công đồng bộ sẽ hỗ trợ thêm cho việc vận chuyển, đi lại của hành khách.