Khi Builder.ai tìm kiếm một khoản vay khẩn cấp vào năm ngoái, startup này đã đưa ra cho các chủ nợ dự báo doanh thu cao gấp 4 lần so với thực tế, theo nguồn tin am hiểu vụ việc cung cấp cho Bloomberg.

Ông Sachin Dev Duggal - Nhà sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành. (Ảnh: Bloomberg).
Builder.ai – nền tảng giúp doanh nghiệp tạo nhanh các ứng dụng điện thoại tùy chỉnh – từng được xem là một câu chuyện thành công sớm trong ngành công nghệ châu Âu.
Công ty từng huy động được vốn từ Microsoft và Quỹ đầu tư Qatar. Các nhà đầu tư khác bao gồm Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới), WndrCo, quỹ Lakestar và vườn ươm Deepcore của SoftBank.
Một nhóm chủ nợ do Viola Credit của Israel dẫn đầu ban đầu được thông báo rằng Builder.ai dự kiến doanh thu năm 2024 là 220 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó Builder.ai tiết lộ con số thực tế chỉ vào khoảng 50 triệu USD.
Tiết lộ này là một trong những lý do khiến nhóm chủ nợ quyết định thu giữ phần lớn tiền mặt của startup AI có trụ sở tại Anh. Công ty từng được định giá khoảng 1,5 tỷ USD trong vòng gọi vốn gần nhất.
Hiện tại, Builder.ai đang lên kế hoạch nộp đơn xin phá sản, trở thành vụ sụp đổ lớn nhất trong ngành AI kể từ khi ChatGPT ra mắt vào năm 2022 và thúc đẩy làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này.

Một thành viên trong ban điều hành Builder.ai cho biết hội đồng quản trị công ty bắt đầu nghi ngờ có vấn đề vào tháng 12 năm ngoái, khi ông Sachin Dev Duggal - Nhà sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành, quay lại yêu cầu thêm vốn sau khoản vay trước đó.
Hội đồng quản trị đã tiến hành kiểm tra lại và phát hiện doanh thu thực tế chỉ đang tiến gần mức 100 triệu USD.
Đến tháng 2/2025, hội đồng quản trị đã buộc ông Duggal rời vị trí và phê duyệt khoản rót vốn 75 triệu USD vào công ty. Họ bổ nhiệm ông Manpreet Ratia, một lãnh đạo từ quỹ đầu tư Jungle Ventures (cổ đông của công ty), làm CEO mới.

Trong một bức thư gửi nhân viên, Builder.ai cho biết họ “không thể phục hồi sau những khó khăn trong quá khứ và các quyết định trước đây đã tạo áp lực lớn lên tình hình tài chính”. Builder.ai cho biết sẽ chỉ định một đơn vị quản lý để giám sát quá trình phá sản.
Trước đó, nhiều cựu nhân viên của Builder.ai tố cáo công ty đã khai khống doanh số ít nhất 20% so với thực tế.
Nhưng đó không phải là điều duy nhất mà công ty này đã phóng đại. Năm 2019, một số nhân viên Builder.ai cho biết việc dùng AI để tạo ứng dụng thực chất chủ yếu do lập trình viên ở Ukraine và Ấn Độ thực hiện.
Lúc đó, công ty phủ nhận điều này. Sau đó, họ đổi tên từ Engineer.ai thành Builder.ai. Trong thời gian qua, nhiều công ty khác cũng gặp rắc rối vì làm điều tương tự. Một số cơ quan như Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã vào cuộc. Họ phát hiện nhiều công ty nói rằng họ dùng AI, nhưng thật ra lại thuê người làm phía sau.

Nhiều công ty phóng đại mức độ tiên tiến của công nghệ họ sử dụng. Khách hàng và nhà đầu tư dễ bị thuyết phục vì không kiểm tra kỹ và cũng không hiểu rõ về AI. Khái niệm “AI” rất mơ hồ, khiến người không chuyên khó phân biệt đâu là công nghệ thật, đâu chỉ là phần mềm thông thường được gắn mác AI.
Mới đây, Tổng cố vấn pháp lý của Builder.ai, ông Adi Vinyarsh, đã yêu cầu nhân viên lưu giữ tất cả tài liệu liên quan. Động thái này được đưa ra sau khi Văn phòng Công tố Liên bang tại Quận phía Nam New York yêu cầu công ty cung cấp thông tin. Các thông tin được yêu cầu bao gồm chính sách kế toán và danh sách khách hàng.

Theo email gửi ngày 8/5, yêu cầu từ phía công tố viên là một trát đòi hầu tòa. Email cũng cho biết yêu cầu này có liên quan đến những thay đổi về lãnh đạo và vấn đề tài chính của công ty trong thời gian gần đây.
Trát đòi hầu tòa từ công tố viên liên bang thường là một phần trong quá trình điều tra. Văn phòng Công tố Manhattan được xem là một trong những đơn vị có ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ.