Những ngày vừa qua, tình hình ảm đạm chưa có dấu hiệu phục hồi của thị trường đã khiến phần đông nhà đầu tư rơi vào tâm thế vô cùng căng thẳng và “bán ra hay gồng lỗ” đã trở thành câu hỏi thường trực của đông đảo nhà đầu tư.
Mặc dù mỗi nhà đầu tư đều có thể có những lý do chính đáng cho quyết định của mình, vẫn có nhiều nhà đầu tư quyết tâm gồng lỗ quá lâu hoặc chốt lời quá sớm, không màng đến lý do khách quan và tiềm năng tăng trưởng thực sự của cổ phiếu.
Lý giải cho tình hình này là hiện tượng tâm lý “tránh mất mát” (loss aversion) trong kinh tế học hành vi. Theo đó, khi đứng trước hai lựa chọn có giá trị kỳ vọng như nhau, mỗi người thường có xu hướng tâm lý “tránh lỗ” bởi tâm lý con người bị tác động mạnh hơn bởi lỗ so với khoản lời tương đương. Ví dụ, “nỗi đau” khi mất 100$ được đánh giá lớn hơn nhiều niềm vui khi lãi được 100$.
Kết quả của điều này là khi bị lỗ hoặc đối diện với nguy cơ lỗ, người bình thường có xu hướng đưa ra quyết định mạo hiểm để bù đắp khoản lỗ đó, đôi khi dẫn đến khoản lỗ lớn hơn. Ở chiều ngược lại, một nhà đầu tư quá sợ hãi trước nguy cơ lỗ trong khi cổ phiếu đang lên sẽ có xu hướng “chốt lời non” vì lo sợ thị trường đảo chiều, bỏ lỡ tiềm năng tăng trưởng.
Theo các nhà tâm lý học hành vi, đây là một thiên kiến nhận thức rất đỗi bình thường, và con người ở trạng thái tự nhiên luôn hành động theo nguyên tắc tránh lỗ.
Lý giải cho hiện tượng này, một số nhà tâm lý cho rằng trải qua lịch sử tiến hoá, việc tránh mất mát mang lại nhiều khả năng sinh tồn hơn cho loài người. Bên cạnh đó, các nhà tâm lý học thì cho rằng chúng ta được lập trình bởi xã hội để sợ hãi trước việc mất mát, từ mất mát tiền nong cho đến mất mát không gian, bối cảnh quen thuộc khi chuyển đến nơi ở mới, thích ứng thói quen mới. Một số nghiên cứu tâm lý còn chỉ ra cụ thể cơn đau của việc thua một khoản tiền còn lớn gấp đôi niềm vui của việc thắng khoản tiền giá trị tương đương.
Làm sao để giảm thiểu tác động của “tránh lỗ”?
Lỗ là điều không tránh khỏi, đó là lý do vì sao nhiều nhà đầu tư thành công còn đưa “tâm lý học về lỗ” vào chiến lược đầu tư của mình và xây dựng chiến lược ứng phó cảm xúc.
Một trong những cách ứng phó để tránh rơi vào bẫy tâm lý là phân bổ tài sản chiến lược, theo đó nhà đầu tư không cố gắng đuổi sát tâm thế thị trường mà luôn cân bằng lại danh mục đầu tư theo những phương pháp dựa trên quy luật.
Cách thứ hai là đầu tư theo công thức. Ví dụ, nhà đầu tư sẽ đặt mốc cắt lỗ và chốt lời theo một hằng số nhất định (Ví dụ, đặt stoploss khi cổ phiếu giảm 25% và chốt lời khi tăng 25% so với giá trị ban đầu).
Bên cạnh đó, còn rất nhiều chiến lược đầu tư hợp lý khác, kể cả việc gồng lỗ bất chấp. Dù chọn bất cứ chiến lược nào, hãy chắc chắn bạn không đưa ra quyết định vì thuần tuý cảm tính.