Trong khi số tuổi thực tế của một người được đo bằng số năm họ sống, tuổi sinh học được xác định bởi sức khỏe sinh lý. Jayney Goddard, chủ tịch Hiệp hội Y tế bổ sung Mỹ (Complementary Medical Association) cho rằng tuổi sinh học sẽ được tính toán trên nhiều yếu tố như độ dài giấc ngủ, ham muốn tình dục, độ đàn hồi của da, sự cân bằng, thị lực...
Chuyên gia về tuổi thọ Sergey Young khẳng định, nếu một người nghĩ rằng mình trẻ hơn tuổi thực, cơ thể của họ sẽ hoạt động theo một cách khác. Khoa học cũng đã chứng minh, việc một người cảm thấy trẻ hơn có thể giúp họ tăng tuổi thọ. Một nghiên cứu dài hạn đăng trên tờ The Guardian năm 2002 của tổ chức tuổi thọ, lão hóa và hưu trí bang Ohio (Mỹ) cho thấy, những người có suy nghĩ tích cực sẽ sống lâu hơn khoảng 7,5 năm so với những người có suy nghĩ tiêu cực tuổi tác.
Khoa học còn chứng minh, suy nghĩ mình trẻ hơn tuổi thực có thể giúp cơ thể của bạn trở lại thời trẻ, mang lại kết quả sức khỏe tích cực về thể chất.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 1981, trong đó 8 người đàn ông lớn tuổi đã được đưa vào một thí nghiệm "bẻ cong thời gian" bằng cách cho họ sống một tuần trong môi trường giả lập cuộc sống vào năm 1959. Nhóm tình nguyện viên này không chỉ sống trong môi trường bao gồm những bức ảnh trẻ hơn của chính họ, các tạp chí, sách báo từ thời đó... mà còn được giáo sư tâm lý học Harvard Ellen Langer hướng dẫn "uốn tâm lý" để trở thành con người của họ 22 năm trước.
Kết quả nghiên cứu được nhà nghiên cứu Ellen Langer viết trong cuốn "Ngược chiều kim đồng hồ", trong đó, Langer tiết lộ rằng sau 5 ngày, những người đàn ông đã cải thiện về thị lực, ngoại hình và sự linh hoạt, đồng thời thực hiện các bài kiểm tra trí thông minh tốt hơn rất nhiều.
Song song nghiên cứu này, nhà nghiên cứu, tiến sĩ Markus Wettstein nói rằng chìa khóa để làm chậm tác động của thời gian chính là việc có một tư duy tích cực về sự lão hóa và hiểu rằng chúng ta vẫn có thể trải nghiệm sự sung mãn, khi bước vào nửa cuối của cuộc đời.
(Theo Healthdigest)