Trung tâm đô thị vệ tinh Bắc Bình Dương
Được định hướng trở thành đô thị công nghiệp - công nghệ cao trong 5 năm tới nhằm tạo nên thế cân bằng kinh tế cho các khu vực của tỉnh, các ngành công nghiệp được huyện Bàu Bàng phát triển tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường thuộc các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực - thực phẩm... Phát triển các khu công nghiệp theo hướng tập trung, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
Theo quy hoạch đến năm 2030, huyện Bàu Bàng bố trí quỹ đất dịch vụ logistics khoảng 294,69ha trên địa bàn xã Tân Hưng (290ha) và Long Nguyên (4,69ha). Vị trí khu logistics nằm giữa đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh và đường Mỹ Phước Tân Vạn, là nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa của KCN Bàu Bàng. Từ đây, hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt và cả đường bộ. Đường bộ đi theo đường Mỹ Phước - Tân Vạn ra đường Vành Đai 4 đến cảng An Tây hoặc đi theo đường Vành đai Mỹ Phước ra cảng Rạch Bắp.
Đặc biệt, hệ thống giao thông vận tải tại Bàu Bàng được tập trung đầu tư và phát triển đồng bộ, nối liền các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, các công trình đầu mối giao thông quan trọng, liên vùng, gắn kết chặt chẽ với các vùng trong tỉnh. Năm 2021, Bàu Bàng tiếp tục phân bổ nguồn vốn lớn cho các dự án cải thiện hạ tầng giao thông, gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị.
Các dự án được ưu tiên thực hiện gồm đường vành đai KCN Bàu Bàng (đường ĐT749A), đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường tạo lực Bến Cát - Bàu Bàng...Đây là những dự án đặc biệt quan trọng giúp giải quyết nhiều vấn đề then chốt trong giao thông vận tải hàng hóa, giảm các thủ tục hành chính liên quan. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp của huyện Bàu Bàng và vùng lân cận.
Cơ sở hạ tầng tại Bàu Bàng được đầu tư đồng bộ, tạo tiền đề thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước
Với mục tiêu xây dựng huyện Bàu Bàng sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị phía bắc, tỉnh đã quy hoạch KCN khoa học công nghệ trên địa bàn. Đây là bước đột phá sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao. Cùng với đó, huyện đã quy hoạch, xây dựng các KCN có vị trí giao thông rất thuận lợi, tạo bước chuyển biến căn bản trong thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế.
Dòng vốn FDI liên tục đổ về thủ phủ công nghiệp mới
Để tạo tiền đề phát triển kinh tế, huyện Bàu Bàng đã đầu tư hơn 7.300 tỉ đồng để xây dựng nông thôn mới, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thu hút FDI. Trong năm 2021, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 97 dự án đăng ký mới và 7 dự án tăng thêm vốn với tổng số vốn đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng và 809,7 triệu đô la Mỹ.
Sự phát triển của các khu công nghiệp (KCN) đã giúp huyện Bàu Bàng thay đổi cơ cấu kinh tế với công nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ. Theo UBND huyện Bàu Bàng, tính đến nay, huyện thu hút 1.244 dự án, trong đó, đầu tư trong nước 1.035 dự án với tổng số vốn đăng ký 32.116 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài 209 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 4,3 tỷ đô la Mỹ.
Nguồn vốn FDI chủ yếu đầu tư vào KCN Bàu Bàng, trong đó có nhiều dự án lớn như: Công ty TNHH KyungBang Việt Nam đầu tư sản xuất các loại sợi và vải; Công ty TNHH Nội thất Lacouer Craft Việt Nam đầu tư sản xuất đồ nội thất, trang trí nội thất, ghế sofa; Tập đoàn Kolon đầu tư để sản xuất sợi lốp polyester, đặc biệt là dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) vào KCN Bàu Bàng.
Nhờ có sự đầu tư liên tục của doanh nghiệp trong các KCN mà kinh tế của huyện đã chuyển dịch mạnh sang hướng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, hình thành các khu đô thị, thương mại sầm uất, góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 21,31%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 25,33%.
Hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh và sức hút từ dòng vốn ngoại (FDI) đang tạo động lực cho toàn huyện Bàu Bàng. Ổn định và phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, tạo nền tảng hướng đến mục tiêu năm 2030, Bàu Bàng trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, là hạt nhân trong vùng đổi mới sáng tạo của tỉnh.