Ngân hàng Nhà nước cho biết, có 8 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 81 lô (8.100 lượng vàng). Cả số thành viên trúng thầu và khối lượng trúng thầu đều cao hơn nhiều so với các phiên trước (2 lần trước mỗi phiên chỉ được 3.400 lượng vàng.
Trong 5 lần đấu thầu trước đó, chỉ có 2 phiên đấu thầu được 3.400 lượng/phiên, còn lại đều bị hủy bỏ do không đủ thành viên tham gia.
Như vậy, thông qua 3 lần đấu thầu thành công, Ngân hàng Nhà nước đã tung ra thị trường 14.900 lượng vàng miếng. Giá trúng thầu phiên lần này thấp nhất là 87,72 triệu đồng/lượng và cao nhất là 87,73 triệu đồng/lượng.
Khối lượng trúng thầu vàng miếng tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái nới điều kiện tham gia đấu thầu.
Cụ thể, khối lượng đấu thầu tối thiểu trong sáng nay là 5 lô, tương đương 500 lượng, giảm 900 lượng so với trước đây. Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu tăng mạnh từ 20 lô (2.000 lượng) lên 40 lô (4.000 lượng).
Tổng khối lượng vàng miếng đấu thầu phiên 14/5 tương tự như các phiên trước là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng. Khối lượng 1 lô là 100 lượng.
Theo các chuyên gia, nếu Ngân hàng Nhà nước tăng thêm 3-4 phiên đấu thầu nữa, giá vàng miếng SJC có khả năng quay về mốc 85 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường, giá vàng SJC ở mức 86 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 89 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Thế nhưng, các doanh nghiệp đã nới rộng khoảng cách mua vào - bán ra lên 3 triệu đồng/lượng thay vì 2,2-2,3 triệu đồng/lượng như ngày hôm qua.
Trên thị trường, trong suốt cơn sốt vàng 1 tháng nay, nhiều nhà vàng " cháy " vàng miếng SJC. Các chuyên gia cho rằng, những biến động giá vàng cần phải được xem xét, cần làm rõ ai đang thao túng giá vàng. Cơ quan quản lý cần phải trả lời câu hỏi tại sao lại có hiện tượng chênh lệch giá vàng với SJC và vàng quốc tế từ 15 - 20 triệu đồng/lượng? Có hay không lợi ích nhóm, tiền chênh đó ai được hưởng lợi?... Khi chênh lệch giá vàng tăng càng cao, doanh nghiệp cũng kéo giãn khoảng cách mua - bán lên cao tới vài triệu đồng mỗi lượng. Tiền chênh lệch này không vào túi doanh nghiệp vào túi ai?
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, nguy hiểm nhất giá vàng tăng kích hoạt tâm lý đổ tiền vào vàng, dòng tiền cần phải được đưa ra để sản xuất kinh doanh chứ không nên chôn chặt ở vàng.