Kinh doanh

Bất ngờ chính sách "hoàn tiền không cần hoàn hàng" trong 90 ngày của Temu

Trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt, Temu - nền tảng thuộc sở hữu của PDD Holdings - đã tung ra một chính sách cho phép người mua giữ lại hàng hóa khi yêu cầu hoàn tiền.

Động thái này không chỉ khiến các đối thủ phải chạy đua theo mà còn gây ra làn sóng phản đối dữ dội từ phía người bán.

Chính sách gây tranh cãi

Temu cho phép khách hàng nhận hoàn tiền mà không cần trả lại hàng trong nhiều trường hợp, bao gồm: hàng bị hư hỏng hoặc có khiếm khuyết, nhận sai mặt hàng, hoặc thiếu hàng trong đơn hàng. Chính sách được áp dụng trong vòng 90 ngày kể từ khi nhận được hàng.

Khách hàng chỉ cần cung cấp hình ảnh hoặc video làm bằng chứng là có thể được hoàn tiền trong vòng 48 giờ. Đây là chính sách được Temu áp dụng tại các thị trường đã hiện diện trước đó như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc,... Chưa rõ công ty có thực hiện ở Việt Nam hay không.

Trước đó, chính sách này được đánh giá là "cách mạng" trong ngành thương mại điện tử, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi về tính bền vững và rủi ro bị lợi dụng.

 TVC quảng cáo của Temu tại thị trường quốc tế. (Ảnh chụp màn hình).

Vào cuối tháng 7 vừa qua, hàng trăm nhà cung cấp của Temu đã tổ chức biểu tình tại trụ sở của công ty ở Quảng Châu. Theo tờ Yi Magazine, khoảng 80 thương nhân đã tới văn phòng PDD - công ty mẹ của Temu, để phản đối chính sách "vô lý".

"Họ không hài lòng với cách Temu xử lý các vấn đề sau bán hàng liên quan đến chất lượng và tuân thủ sản phẩm, tranh chấp số tiền lên đến hàng triệu nhân dân tệ", trích dẫn từ tuyên bố của PDD..

Một người bán hàng tại Quảng Châu chia sẻ với South China Morning Post rằng dù đạt doanh số 40 triệu nhân dân tệ (khoảng 5,5 triệu USD) trên nền tảng năm ngoái, nhưng đã bị Temu phạt 3 triệu nhân dân tệ do hoàn tiền và khiếu nại của khách hàng, khiến gần như toàn bộ lợi nhuận bị xóa sạch. 

Tại Thâm Quyến, một người bán điện thoại di động cho biết đã chịu khoản lỗ khoảng 80.000 USD thông qua Temu, bao gồm tiền phạt và các khoản chưa thanh toán cho sản phẩm đã bán. Thậm chí còn phải chịu thêm thiệt hại tương đương khoảng 200 chiếc điện thoại thông minh do chính sách hoàn tiền không cần trả hàng.

Mặc dù gây tranh cãi, chiến lược giá thấp và chính sách hoàn tiền dễ dãi của Temu đã thu hút được đông đảo người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Người dùng đã chuyển sang mua các sản phẩm điện tử giá rẻ và quần áo cơ bản thay vì các mặt hàng đắt tiền hơn. Temu có lợi thế về cấu trúc tinh gọn khi chủ yếu dựa vào các nhà cung cấp bên thứ ba, cho phép họ có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn so với đối thủ.

Với chỉ 17.400 nhân viên, Temu đạt tỷ suất lợi nhuận hoạt động 34%, cao hơn nhiều so với Alibaba (15%) và JD.com (3%) - những đối thủ có đội ngũ nhân viên lên đến hàng trăm nghìn người. Tuy nhiên, theo Jacob Cooke, CEO của công ty tư vấn thương mại điện tử WPIC Marketing + Technologies, giá thấp đơn thuần có thể không đủ để tạo ra lòng trung thành của khách hàng trong bối cảnh mọi nền tảng đều đang cung cấp giá cực thấp.

Các đối thủ như JD.com, Douyin và Alibaba đang tập trung vào những lợi thế cạnh tranh độc đáo của họ, nhất là các mặt hàng có thương hiệu giá trị cao hơn, dịch vụ khách hàng và thương mại dựa trên nội dung.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, làn sóng phẫn nộ đang dâng cao trước cách người tiêu dùng phương Tây lợi dụng các thương nhân Trung Quốc. "Người nước ngoài có thể mua hàng từ thương nhân Trung Quốc, nhận hàng mà không tốn đồng nào", một blogger ở Hà Bắc bình luận.

Người này nói thêm: "Nó đã biến thực trạng mua hàng zero-đô la từ Mỹ sang đây, khiến các công ty Trung Quốc phải cung cấp hàng hóa miễn phí cho người nước ngoài".

Cuộc đua xuống đáy

Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ của một cuộc chạy đua xuống đáy, nơi các sàn TMĐT liên tục hạ thấp tiêu chuẩn để giành giật thị phần. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người bán mà còn có thể tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái thương mại điện tử trong khu vực.

Tình hình càng trở nên căng thẳng khi các nền tảng livestream như Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc) và Kuaishou ngày càng chiếm nhiều thị phần. Theo số liệu của Syntun, trong khi các nền tảng TMĐT livestream có doanh số tăng 19% trong ngày Lễ độc thân 11/11 năm 2023, các sàn TMĐT truyền thống lại chứng kiến mức giảm 1%.

Thậm chí, tương lai của mô hình kinh doanh này cũng đang bị đặt dấu hỏi khi PDD Holdings vừa công bố kết quả kinh doanh quý không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích, dẫn đến việc vốn hóa thị trường giảm 55 tỷ USD. Các nhà điều hành công ty thừa nhận rằng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm