Mắc hội chứng kẻ mạo danh
Chloe Elise, Giám đốc điều hành và nhà sáng lập công ty cung cấp kiến thức tài chính Deeper Than Money nhận thấy nhiều người dù có kiến thức, kinh nghiệm và hoàn toàn có khả năng để trở nên giàu có nhưng lại thiếu "tư duy của một triệu phú".
"Nói đơn giản là họ không dám tin rằng mình sẽ giàu", Chloe Elise nói.
Đây là hội chứng "Kẻ mạo danh", khi con người nghi ngờ về thành công đạt được, liệu bản thân có xứng đáng nhận được điều đó hay không, đồng thời sợ người khác sẽ phát hiện ra họ không giỏi như vậy.
"Nếu tin rằng bản thân không bao giờ giàu có, bạn sẽ không giàu", chuyên gia nói.
Luôn nghĩ tiền giải quyết được mọi vấn đề
Lauren Anastasio, nhà tư vấn tài chính tại Mỹ cho rằng nhiều người rơi vào bẫy giả định và tin "tiền là giải pháp cho mọi vấn đề" kiểu như "nếu có một triệu USD, cuộc sống của tôi sẽ hoàn hảo"; "Tôi chỉ cần có thu nhập 8 con số là ổn định tài chính cả đời".
Anastasio tin rằng khi cho phép tiền trở thành nguồn hạnh phúc của mình, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng. Bạn sẽ muốn nhiều hơn vì những vật chất, của cải mới mẻ sáng bóng lúc đầu sẽ dần trở nên cũ kỹ và bạn lại muốn có cái mới hơn để thay thế.
Theo chuyên gia, một người tin rằng tiền chính là chìa khóa hạnh phúc họ có thiên hướng mua sắm để có cảm giác thỏa mãn. Nhưng cảm giác đó không được lâu và họ tiếp tục rơi vào "cơn nghiện". Nguy cơ cao là những người này có khả năng mắc nợ, dù họ kiếm được bao nhiêu tiền.
"Những người giàu sống trong khả năng của họ. Nếu chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được, bạn gần như không thể tiết kiệm để trở nên giàu có", Anastasio nói.
Chạy đua với người ngoài
Đã bao lần lướt mạng xã hội, chúng ta thấy ghen tị với người quen, bạn bè khi họ chia sẻ hình ảnh về những kỳ nghỉ xa hoa, có nhà mới hoặc xe mới. Khi đó, nhiều người sẽ thở dài: "Khi nào mới đến lượt mình?"
Anastasio cho biết mọi người thường sử dụng tiền như một biểu tượng cho địa vị xã hội. Điều này liên quan tới thành ngữ "Keeping up with the Joneses" - ám chỉ việc so sánh bản thân với hàng xóm, trong đó hàng xóm đóng vai trò là chuẩn mực cho giai cấp xã hội hoặc sự tích lũy của cải vật chất. Việc không "Keep up with the Joneses" được coi là biểu hiện của sự thấp kém về mặt kinh tế xã hội hoặc văn hóa.
Vị chuyên gia cho rằng, ghen tị với người khác đồng nghĩa bạn đang bỏ qua thứ quan trọng trong cuộc sống của chính mình. Nếu chỉ tập trung vào những gì mà hàng xóm hay bạn bè có, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển bản thân, bỏ lỡ cơ hội đạt được thứ tương tự họ. Ghen tị cũng khiến bản thân chi tiêu quá mức, dẫn đến tình trạng thiếu tiền, thậm chí vay nợ.
"Khó có thể tạo dựng sự giàu có khi bạn đang dành phần lớn tiền để trả nợ", Anastasio nói.
Mang tư duy trì hoãn
Mặc dù luôn đặt câu hỏi tại sao bản thân chưa giàu có, Chloe Elise cho biết nhiều người vẫn mang tư duy trì hoãn như "để mai tính". Ít ai nhận thức được rằng "ngày mai" không biết thực sự là ngày nào. Tâm lý trì hoãn cũng khiến nhiều người sợ thử cái mới.
Ví dụ, họ sẽ không chấp nhận công việc mới dù thăng chức bởi sợ bị đuổi việc hoặc cho thôi việc; không dám bắt đầu dự án kinh doanh mới bởi sợ thất bại hay không muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán bởi lo mất hết tiền...
Chloe Elise cho rằng, người giàu có thường chọn hành động quyết liệt và nhanh chóng tìm cách giải quyết vấn đề. Đây chính là lý do giúp họ trở nên giàu có và thành đạt.
"Một người luôn tìm cách trốn tránh trách nhiệm sẽ mãi dậm chân tại chỗ. Học hỏi, ngưng trì hoãn việc hôm nay chớ để ngày mai là chìa khóa giúp bạn tiến xa", Chloe Elise khuyên.
Không có kế hoạch
Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân Jocelyn Black Hodes cho rằng nếu không có những mục tiêu ngắn hạn, trung và dài hạn một cách rõ ràng, việc làm giàu sẽ trở thành một viễn cảnh mịt mù.
"Có một câu mà chúng tôi vẫn thường nói trong ngành tài chính: Những ai trượt trong việc lên kế hoạch, hãy lên kế hoạch bị trượt", Jocelyn Black Hodes nói.
Theo vị chuyên gia, lên kế hoạch tài chính nghe có vẻ rất to tát và đáng sợ, nhưng thực tế không phải vậy. Dù bản kế hoạch của bạn là tự làm hay do chuyên gia tư vấn, quá trình lên kế hoạch đơn giản bắt đầu bằng việc đặt ra những mục tiêu ưu tiên và viết chúng ra. Đặt danh sách ở những chỗ nào dễ thấy hàng ngày. Nhắc nhở trực quan sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc đi đúng đường ray.
(Theo gobankingrates)