Ngày 22/10, GPFG công bố lợi nhuận quý III đạt 835 tỷ krone Na Uy, tương đương 76,3 tỷ USD. Họ quản lý số tài sản trị giá 18.870 tỷ krone, tính đến cuối tháng 9 và hiện là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới.
Trond Grande - Phó giám đốc Norges Bank Investment Management (NBIM) - đơn vị quản lý quỹ đầu tư này cho biết các thay đổi gần đây về chính sách tiền tệ "đã có ảnh hưởng lớn" đến kết quả kinh doanh của họ trong quý III. Hàng loạt thị trường chứng khoán đã tăng điểm sau khi nhiều nước giảm lãi suất. Tại Mỹ, cả DJIA và S&P 500 đều tăng 2% từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất tháng trước.
"Quý trước có rất nhiều sự kiện. Bắt đầu bằng hàng loạt biến động xuyên suốt mùa hè, trong tháng 7 và tháng 8. Sau đó là đồn đoán liệu Mỹ có hạ cánh mềm không và Fed có giảm lãi suất không", Grande cho biết trên CNBC hôm 22/10.
Tất cả kênh đầu tư của quỹ này đều sinh lời trong quý III. Trong đó, cổ phiếu - đóng góp 71,4% danh mục - sinh lời 4,5%. Công cụ trả lãi cố định - chiếm 26,8% danh mục - cho lợi nhuận 4,2%. Đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng cho nhiên liệu tái tạo cũng có lãi.
Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy được thành lập vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Mục đích là tái đầu tư nguồn thu dư thừa từ ngành dầu khí nước này. Đến nay, quỹ này đã rót tiền vào hơn 8.760 công ty tại 71 quốc gia trên thế giới.
Làn sóng nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục khi lạm phát tại các nước thu nhập cao năm nay dần hạ nhiệt. Tháng trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần đầu giảm lãi suất sau 4 năm. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất lần thứ ba trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Anh cũng nới lỏng tiền tệ từ tháng 8.
Lãi suất thấp có lợi cho nhiều ngành, đặc biệt là công nghệ. Khi được hỏi về triển vọng nhóm này trong vài tháng tới, Grande cho biết: "Đây là một câu hỏi khó. Vì cổ phiếu công nghệ đang tăng trưởng dựa trên sự hào hứng về AI. Tôi cho rằng trong tình hình này, mọi người vẫn nên thận trọng hơn một chút".
(theo CNBC, Reuters)