Lực lượng cảnh sát từ 6 quốc gia châu Á mới đây đã bắt giữ 435 nghi phạm vì nghi ngờ tham gia vào các hoạt động lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến. Đây là kết quả của một chiến dịch xuyên quốc gia với sự tham gia của cảnh sát Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan, tiến hành điều tra từ ngày 24/2 đến ngày 28/3.
Bên cạnh các nghi phạm bị bắt giữ, 109 người khác cũng đang nằm trong diện tình nghi, nâng tổng số đối tượng bị điều tra lên đến 525 nam và 19 nữ, trong độ tuổi từ 13 đến 68.
Trong chiến dịch xuyên quốc gia này, các sĩ quan từ 6 quốc gia trên đã tiến hành đột kích tại 269 địa điểm ở Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan và Hong Kong (Trung Quốc). Các thiết bị điện tử, bao gồm 84 máy tính, 279 điện thoại di động, 32 máy tính bảng, 150 thiết bị lưu trữ và 9 bộ định tuyến, cũng như các tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em do các công cụ trí tuệ nhân tạo tạo ra, đã bị thu giữ.
Các nghi phạm bị bắt vì bị tình nghi liên quan đến các tội danh như: Sản xuất, sở hữu, tiếp cận và phân phối tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em; Xâm hại tình dục; Đe dọa phân phối hình ảnh hoặc bản ghi âm riêng tư; Giao tiếp tình dục với trẻ vị thành niên; Bán và truyền tải tài liệu khiêu dâm; Sở hữu phim khiêu dâm...
Hiện, chiến dịch truy quét này vẫn được tiếp tục mở rộng điều tra.

Ảnh minh họa (Ảnh: Adobe Stock)
Theo một nghiên cứu của Viện An toàn trẻ em toàn cầu Childlight của Đại học Edinburgh (Anh) tiến hành vào năm ngoái, ước tính hơn 300 triệu trẻ em trên toàn thế giới là nạn nhân của nạn bóc lột và lạm dụng tình dục trực tuyến mỗi năm. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong 12 tháng tính đến tháng 5/2024, cứ 8 trẻ em trên thế giới thì có 1 trẻ là nạn nhân của việc chụp, chia sẻ và tiếp xúc với hình ảnh và video có nội dung tình dục khi chưa có sự đồng thuận.
Cũng theo báo cáo, một số lượng tương ứng các vụ việc trẻ em là nạn nhân bị gạ gẫm cũng đã xảy ra trong giai đoạn này, như bị gửi tin nhắn tình dục và nhận được những yêu cầu thực hiện hành vi tình dục từ người lớn và thanh thiếu niên khác.
Các hành vi phạm tội có thể kể đến từ dùng hình ảnh riêng tư nhạy cảm để tống tiền/tình nạn nhân cho đến lạm dụng công nghệ AI để tạo ra các video và hình ảnh giả mạo.
Các hình thức lừa đảo qua mạng hiện đang gia tăng với mức độ tinh vi hơn, gây thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều nước Đông Nam Á.
Các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo rằng tội phạm đang tận dụng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các trang web giả mạo ngày càng tinh vi, khiến người dùng khó nhận biết. Trong khi công nghệ AI vẫn đang trong quá trình hoàn thiện khả năng phòng chống, việc nâng cao nhận thức cá nhân và chủ động cảnh giác vẫn là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay.