Đáng buồn hơn, những hình ảnh ấy lại hiện diện ngay tại những điểm đến được kỳ vọng là bộ mặt của ngành du lịch địa phương, chẳng hạn như Khu du lịch quốc gia Mũi Né (tỉnh Lâm Đồng).
Người viết nhiều lần chứng kiến, nhất là vào mùa hè mưa nhiều, rác trôi nổi, tấp vào bãi biển, cửa sông, khiến bức tranh du lịch thêm nhếch nhác, phản cảm. Vì lẽ đó, du khách phản ứng không còn là chuyện xa lạ.
Thử đi dọc các tuyến đường, từ KP.Long Sơn, P.Mũi Né, dễ dàng thấy những bãi rác tự phát khuất sau lùm cây. Tương tự, tại các bãi biển công cộng ở P.Hàm Tiến (nay là P.Mũi Né), hay cửa sông Phú Hài, cửa sông Cà Ty…, đâu đâu cũng thấy rác. Những túi ni lông, rác sinh hoạt trôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước, chưa kể bãi neo đậu tàu thuyền đầy rác.
Điều đáng nói, vấn đề rác thải không phải chuyện mới. Các hội thảo, phong trào dọn rác đã nhiều lần được tổ chức, nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, như chia sẻ của chủ đầu tư một khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né, "gốc rễ của vấn đề nằm ở ý thức cộng đồng". Nếu chỉ bàn chuyện dọn rác, xử lý bề mặt mà không thay đổi được thói quen của người dân, thì cuộc chiến với rác thải sẽ còn kéo dài, thậm chí vô vọng.
Giải pháp không thiếu. Bằng chứng là Nghị định 45/CP đã quy định rõ chế tài xử phạt hành vi xả rác bừa bãi. Vậy tại sao rác vẫn tràn lan? Câu trả lời nằm ở chỗ chế tài chưa được thực thi một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Một khi cơ quan chức năng nghiêm túc áp dụng quy định, xử phạt không nể nang, không có "vùng cấm", người dân sẽ buộc phải điều chỉnh hành vi.
Chính quyền phường, xã mới hiện nay có đầy đủ công cụ để xử phạt vấn đề này. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, cần áp dụng chế tài một cách thực chất. Phải coi rác thải là "kẻ thù" của môi trường, của chính ngành du lịch. Muốn thu hút du khách, giữ chân họ, không còn cách nào khác là trả lại sự sạch đẹp cho những vùng đất đáng tự hào như Mũi Né, Phú Quý. Một điểm đến nhếch nhác vì rác chỉ khiến du lịch thụt lùi, mất điểm trong mắt du khách.