Trong hội thảo giới thiệu Sách trắng Bất Động Sản Công nghiệp 9 tháng đầu năm 2021 do Savills tổ chức mới đây, ông John Campbell - Trưởng bộ phận BĐS Công nghiệp nhận định, mặc dù tình trạng gián đoạn sản xuất đã xảy ra trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4 nhưng với việc nới lỏng giãn cách vào tháng 10, chuyển đổi chiến lược từ "Zero Covid" sang "Sống chung với Covid" của Chính phủ, triển vọng của bất động sản nói chung đã khả quan trở lại.
Về số liệu vĩ mô, ADB dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2021 và tăng 6,5% trong năm 2022. Ngoài ra, bất chấp đại dịch, nước ta vẫn duy trì cạnh tranh trong toàn khu vực. Lương nhân công ngành sản xuất đã chạm mốc 315 USD/tháng vào năm 2021 (tương đương 7,2 triệu đồng), nhưng vẫn là con số khá cạnh tranh so với Trung Quốc và Malaysia.
Đồng thời, Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường hiệu quả nhất về chi phí xây dựng công nghiệp (theo Arcadis 2020). Cụ thể hơn, tại Tp.HCM, chi phí xây dựng cơ bản trung bình từ 309-389 USD/m2. Đối với nhà xưởng do chủ đầu tư vận hành, chi phí này là 349-460 USD/m2.
Về nguồn cung 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có đến 394 KCN và Khu kinh tế (KKT) - một con số khá lớn so với các nước trong khu vực châu Á, chiếm 121.900ha diện tích đất. Trong đó, 286 KCN và KKT đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 71,8%.
Nguồn: Savills
Theo Savills, trong 6 tháng đầu năm 2021, các dự án FDI vào KCN và khu kinh tế đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 291 dự án với tổng số vốn đăng ký mới ước tính đạt 6 tỷ USD.
Ngoài ra, hiệp định EVFTA đang thúc đẩy nhiều nhà đầu tư châu Âu tìm đến thị trường Việt Nam. Cụ thể, đã có 2.242 dự án được đầu tư bởi các nước châu Âu - tăng 164 dự án so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số vốn đăng ký là 22,24 tỷ USD. Những nhà đầu tư châu Âu lớn tại Việt Nam có thể kể đến như Shell Group, Total Elf Fina, Daimler Chrysler và Siemens.
Phân chia nguồn cung theo địa phương năm 2021, tại khu vực phía Bắc, Bắc Ninh vẫn đang dẫn đầu với tổng điện tích 5.797ha của 15 KCN, giá thuê tăng trưởng 11%. Đứng ngay sau là Hải Phòng (4.526ha), Hưng Yên (4.418ha), Hà Nội (4.416ha) và Vĩnh Phúc (1.655ha). Đáng nói, Hưng Yên ghi nhận giá thuê tăng trưởng tới 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 101USSD/m2/tháng.
Nguồn: Savills
Tại khu vực phía Nam, thủ phủ công nghiệp Bình Dương dẫn đầu với nguồn cung 11.858ha từ 34 KCN, nhưng giá thuê chỉ tăng nhẹ 1% và đạt 108 USD/m2/tháng. Đứng ngay sau là Đồng Nai - địa phương đang thu hút nhiều vốn đầu tư FDI, với 10.066ha từ 32 dự án, giá thuê tăng 6% so với cùng kỳ 2020. Đáng nói nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương này đã ghi nhận giá thuê tăng đến 45%.
Nguồn: Savills
Tầm nhìn trong tương lai, Savills cho rằng mô hình KCN sinh thái bền vững cùng với kho lạnh và trung tâm dữ liệu được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong những năm tới.
Sở Kế hoạch & Đầu tư đã đưa ra kế hoạch vào năm 2020 để tạo ra nhiều KCN sinh thái hơn, nhằm: tăng cường công nghệ sạch và mức carbon thấp, giảm thiểu phát thải khí gây ô nhiễm, cải thiện nước và quản lý hóa chất,... Hiện đã có 5 KCN được chọn làm dự án thử nghiệm và sẽ được đánh giá hiệu quả sau 3 năm.
Trong khi đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhu cầu bảo quản thực phẩm, vaccine tăng cao là cơ hội cho các nhà phát triển kho lạnh. Tuy nhiên, nguồn cung kho lạnh tại các nước châu Á - Thái Bình Dương nói chung cũng như Việt Nam nói riêng còn khá hạn chế.