Vừa qua, cơn bão Yagi đã gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc. Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng thiệt hại của thiên tai, bão lũ thậm chí còn đẩy mặt bằng giá lương thực tăng cao gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Điểm qua bức tranh kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm tại Toạ đàm trực tuyến Data Talk tháng 9/2024 với chủ đề 'Nỗi lo suy thoái, Fed, và chiến lược đầu tư trước ngưỡng 1.300' diễn ra chiều 13/9, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên , Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng cho rằng nhu cầu hồi phục từ các thị trường giúp cho hoạt động sản xuất của Việt Nam phục hồi rất tích cực.
Những lợi thế của Việt Nam thể hiện rõ rệt hơn, tăng trưởng IIP trên 8%, PMI trên 50 điểm liên tiếp trong nhiều tháng,...Các mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam như: Thép, ô tô, đường,... tăng trưởng khá mạnh, PMI của Việt Nam cũng nằm trong top cao của ASEAN cho thấy đơn hàng vẫn tích cực trong thời gian tới, tăng trưởng sản xuất sẽ được duy trì.
Trong tháng 8, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 38 tỷ USD, nghĩa là mỗi ngày Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, thặng dư thương mại tháng 8 cũng lên tới 4 tỷ USD. Đây là những điểm rất tích cực đối với kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, các doanh nghiệp cũng "tự tin" hơn trong nhập khẩu nguyên vật liệu khi kim ngạch nhập khẩu cũng tăng trưởng rất mạnh trong những tháng gần đây.
"Ngay cả khi cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ kết thúc với chiến thắng thuộc về ông Donal Trump và Mỹ áp dụng chính sách đánh thuế với hàng hoá của các nước thì Việt Nam vẫn có lợi thế về xuất khẩu, bởi hầu hết các nước đều bị đánh thuế", bà Liên nói.
Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 26% trong 8 tháng đầu năm cho thấy Việt Nam có lợi thế nhất định trong cuộc đua xuất khẩu, nhất là với những đối thủ có sự bất ổn địa chính trị.
Bên cạnh đó, sự bất ổn trên thế giới lại giúp Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, trong 8 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam không chỉ tăng trưởng về số lượng dự án mà quy mô dự án cũng tăng.
Ngoài ra, điều đặc biệt là trong hai năm trước đây, FDI chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất như dệt may hay điện tử nhưng năm nay đã bắt đầu quay trở lại với thị trường bất động sản cho thấy họ bắt đầu tin tưởng hơn vào sự phục hồi của môi trường đầu tư ở Việt Nam
"Sự tích cực ở mảng xuất khẩu, đầu tư sẽ bù đắp cho mức tăng trưởng sụt giảm của tiêu dùng trong nước", bà Liên nói.
Bão Yagi ảnh hưởng đến giá lương thực
Về vấn đề lạm phát, bà Liên cho biết trong giai đoạn đầu năm có rất nhiều quan điểm lo ngại lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ ở mức cao, thậm chí ngay cả ở thời điểm này, lạm phát 8 tháng đầu năm vẫn cao hơn 4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, hiện đang có rất nhiều yếu tố tích cực, giá dầu vừa rồi đã giảm giúp giá xăng trong nước liên tục giảm theo. Bên cạnh đó, mức nền lạm phát của năm ngoái rất cao nên càng về cuối năm lạm phát càng thấp và quay về mức dưới 4%.
"Chúng tôi dự báo lạm phát năm nay sẽ khoảng 3,6%. Đây là yếu tố khá tích cực và hỗ trợ cho thị trường chứng khoán", bà Liên phân tích.
Song theo bà Liên một yếu tố mới, bất ngờ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá là bão Yagi vừa qua. Miền Bắc là khu vực sản xuất lương thực, thực phẩm lớn, những thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra với hoa màu, chăn nuôi không hề nhỏ và chắc chắn sẽ đẩy mặt bằng giá cả hàng hoá thiết yếu thời gian tới lên cao trong vòng 2 - 3 tháng tới.
Dù vậy, luỹ kế cả năm, lạm phát vẫn có thể nằm trong tầm kiểm soát dưới 4,5% mà Chính phủ đề ra, vị chuyên gia từ Chứng khoán Phú Hưng phân tích.
Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ có điều kiện để thực hiện các động thái điều hành nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiêu dùng của Việt Nam hiện đang khá yếu ngay cả khi lượng khách du lịch quốc tế hồi phục rất mạnh, thậm chí ngang ngửa và vượt thời điểm trước COVID-19.
Trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng trong nước đang khá yếu, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng doanh thu bán lẻ, dịch vụ chỉ đạt khoảng 7,9% và yếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng hơn 5%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng hai con số ở các giai đoạn trước đây.
Ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng phòng Phân tích Công ty Giải pháp Dữ liệu WiGroup cũng cho rằng đúng là cơn bão Yagi vừa quét qua gây thiệt hại nặng nề cho miền Bắc và miền Trung là một yếu tố cần tính đến đối với lạm phát. Trong thời gian giá heo hay gạo có thể tăng mạnh do một diện tích lớn lúa và vật nuôi bị ảnh hưởng.
Hiện CPI 8 tháng đầu năm đang tăng 4,04% đúng bằng mục tiêu mà Chính phủ đề ra, như vậy không còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ và đưa lạm phát tăng thêm nữa mà chỉ cố gắng giữ ở mức này.
"Với lãi suất, khả năng nới lỏng thêm nữa khó có thể xảy ra. Thậm chí, sắp tới có thể phải tăng lãi suất, trong khi các ngân hàng Trung ương thế giới có thể sẽ giảm", ông Nguyên dự báo.