Sau hơn 4 năm thi công, dự án mở rộng đường Vành đai 2 bên dưới và xây dựng đường trên cao vừa đã cơ bản hoàn thành các hạng mục thi công và có thể thông xe dịp cuối năm 2022. Trong tháng 12 vừa qua, để phục vụ thông xe, nhà đầu tư dự án cùng với các đơn vị có liên quan đã có phương án tổ chức phân luồng giao thông trình Sở GTVT Hà Nội xem xét, phê duyệt.
Từ thực tế giao thông khi đường trên cao Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở thông xe năm 2020, Sở GTVT Hà Nội đánh giá, đã gây khó khăn cho giao thông ở 2 đầu Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng khi có lượng lớn phương tiện từ đường trên cao đổ dồn về 2 nút, gây quá tải, phát sinh “điểm đen” ùn tắc.
Về phương án đề xuất tổ chức giao thông của nhà đầu tư và các đơn vị có thẩm quyền để thông xe đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng vào dịp cuối năm vừa qua, ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội vừa ký văn bản trả lời, trong đó nêu rõ, nếu thông xe toàn tuyến đường Vành đai 2, lưu lượng giao thông trên tuyến sẽ dồn nhanh về các nút giao, đặc biệt là nút giao Ngã Tư Sở, nút giao Ngã Tư Vọng, nút giao vòng xuyến tại đầu cầu Vĩnh Tuy… Từ đó làm thay đổi thực trạng giao thông tại đây. “Do vậy, nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền căn cứ tình hình giao thông thực tế sau khi đưa công trình vào khai thác, tổ chức, rà soát nghiên cứu, điều chỉnh phương án phân luồng, tổ chức giao thông cho các nút giao và mạng lưới đường liên quan phù hợp với từng giai đoạn khai thác”, văn bản nêu rõ.
Không làm phát sinh điểm ùn tắc mới
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, không chỉ dự án đường Vành đai 2 trên cao mà tất cả các công trình sắp thông xe, đưa vào sử dụng, nếu không có giải pháp tổ chức giao thông bài bản, khoa học sẽ tạo áp lực cho giao thông trên toàn hệ thống, trong đó có tuyến đường, nút giao trong khu vực.
Với dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng , Sở GTVT đã tham mưu cho thành phố và khảo sát trên thực địa để đưa ra phương án tổ chức giao thông tối ưu nhất. “Mục tiêu của Sở GTVT và các cơ quan chuyên môn làm sao đường trên cao thông xe nhưng Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở không bị “dồn cục” phương tiện, gây phát sinh các điểm đen ùn tắc mới”, ông Thường nói.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đưa ra các thông số tính toán đã được khảo sát, thống kê ở hiện trường: Hiện tại khổ đường Láng theo tính toán của tư vấn chỉ đáp ứng khả năng thông hành là khoảng 3.000 CPU (lưu lượng xe được máy tính đo đếm khi thông hành). Nhưng hiện nay, lưu lượng phương tiện từ hướng đường trên cao Vành đai 2 trên cao đổ vào đường Láng đã là khoảng 8.000 CPU - vượt tải hơn gấp đôi. “Nếu thông xe đường Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy chạy về Ngã Tư Sở mà không có phương án tổ chức giao thông hợp lý, tính toán, khảo sát để đưa ra phương án phù hợp với thực tế hạ tầng cho cả khu vực thì đương nhiên sẽ xảy ra tình trạng thông chỗ này, nhưng tắc cho chỗ kia”, ông Thường nói.