Chứng khoán

VDSC: Nhà đầu tư có thể duy trì chiến lược "bơi trong dòng nước ngược", theo dấu dòng tiền ETFs trong năm 2023

Trong báo cáo chiến lược năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt cho biết không kỳ vọng một con sóng tăng lớn hay một sự điều chỉnh cực mạnh sẽ diễn ra trong năm 2023; thay vào đó là những đợt sóng nhỏ và nhịp đi xuống sẽ mang lại cơ hội tích lũy cổ phiếu với mức giá tốt.

Để có thể tối ưu được các cơ hội như trên, VDSC đề xuất chiến lược phòng thủ, ít nhất trong nửa đầu năm 2023, với việc hạn chế hết mức tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong những nhịp thị trường tăng tốc bất ngờ mà thiếu sự hậu thuẫn bởi những thay đổi cơ bản về vĩ mô. Nhà đầu tư có thể dành một phần danh mục cho việc giao dịch ngắn hạn, nhằm tối ưu hóa hiệu suất đầu tư trong năm. VDSC cụ thể hóa bằng cụm từ “bơi trong dòng nước ngược”.

Theo đó, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể theo dấu dòng tiền lớn từ việc quan sát xu thế của ETFs. Hiện tại, các rổ chỉ số VN30, VNDiamond, VNFinlead, VNFinseclect, VNMid đã giúp đa dạng danh mục sản phẩm của các quỹ đầu tư với sự ra đời của các quỹ ETFs. Từ cuối năm 2020, dòng vốn này bắt đầu hoạt động sôi động hơn và có thời điểm trở thành trụ đỡ của thị trường đặc biệt trong những giai đoạn suy giảm mạnh như cuối năm 2022 vừa qua.

So với các quốc gia lân cận, Việt Nam được xem là nền kinh tế có bức tranh vĩ mô tương đối ổn định và tăng trưởng khả quan. Do vậy, VDSC kỳ vọng các quỹ ETFs sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền ngoại trong năm 2023. Từ đây, lựa chọn cổ phiếu tốt thuộc danh mục các rổ chỉ số mà các ETF này tham chiếu có thể sẽ giúp danh mục của nhà đầu tư cá nhân ít chịu tổn thương hơn trong những nhịp suy giảm mạnh của thị trường.

VDSC: Nhà đầu tư có thể duy trì chiến lược bơi trong dòng nước ngược, theo dấu dòng tiền ETFs trong năm 2023 - Ảnh 1.

Mặt khác, các sức ép về chi phí và nhu cầu sẽ được giải tỏa một phần sau khi Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế. Trung Quốc vừa là đối tác thương mại lớn vừa là đối thủ lớn của Việt Nam trong xuất khẩu nhiều nhóm hàng hóa sang thị trường Mỹ và châu Âu. Do vậy, VDSC đánh giá sự kiện tái mở cửa nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động trái chiều lên các nhóm ngành xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh các nhóm hàng hóa nông sản, VDSC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ cá tra tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng lên sau khi mở cửa nền kinh tế, bù đắp phần nào cho sự sụt giảm tại thị trường Mỹ và châu Âu.

Hiện, Trung Quốc đóng góp hơn 15% trong kim ngạch xuất khẩu và 12% trong kim ngạch nhập khẩu toàn thế giới. Vì vậy, giai đoạn Zero-Covid của Trung Quốc đã gây nên những sức ép nhất định với chi phí kho – vận, cũng như một số loại chi phí nguyên vật liệu đầu vào của thế giới, hoạt động tiêu dùng cũng đã bị tác động tiêu cực. VDSC kỳ vọng áp lực này sẽ vơi đi từ nửa cuối năm 2023, trong kịch bản Trung Quốc mở lại hoàn toàn từ thời gian này, trong đó tác động tích cực rõ thấy nhất là sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng dịch vụ.

VDSC: Nhà đầu tư có thể duy trì chiến lược bơi trong dòng nước ngược, theo dấu dòng tiền ETFs trong năm 2023 - Ảnh 2.

Tương tự, trong lĩnh vực du lịch, lượt khách du lịch đến Việt Nam vẫn ở mức thấp do thiếu vắng một lượng lớn khách Trung Quốc, VDSC kỳ vọng việc mở cửa trở lại trên sẽ mang đến nhiều du khách và nguồn thu cho du lịch năm 2023.

VDSC: Nhà đầu tư có thể duy trì chiến lược bơi trong dòng nước ngược, theo dấu dòng tiền ETFs trong năm 2023 - Ảnh 3.

Ở một khía cạnh khác, năm 2023 này, nhà đầu tư có thể quan tâm và đón đầu sự trở mình của nền kinh tế. Đặc biệt là giải ngân đầu tư công nhằm hướng đến đầu tư cơ sở hạ tầng và chương trình phục hồi kinh tế. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 782 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với kế hoạch năm 2022, trong đó, vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (CTPHKT) là 127 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, kế hoạch vốn năm 2023 gấp 1,7 lần so với ước thực hiện năm 2022 và chưa bao gồm phần vốn chưa thực hiện từ năm 2022 chuyển sang. Điểm mới trong kế hoạch giao vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2023 là ưu tiên dự án thuộc CTPHKT và xem xét miễn nhiệm cán bộ các Bộ, cơ quan TW và địa phương không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công 2 năm liên tiếp. Đây có thể là hai động lực giúp tốc độ giải ngân đầu tư công cải thiện trong năm 2023 bên cạnh việc hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm sẽ thúc đẩy việc giải ngân.

Thử thách ngắn hạn không làm xóa nhòa triển vọng tăng trưởng tích cực trong dài hạn của Việt Nam, chọn cổ phiếu sẽ tốt hơn chọn cả ngành

Với độ mở nền kinh tế lớn, triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như sự ổn định của thị trường tài chính của Việt Nam dự báo sẽ đối diện nhiều thách thức trong năm 2023. Đặc biệt, sự giảm tốc ở khu vực FDI và hoạt động xuất khẩu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập, qua đó gián tiếp ảnh hưởng sức cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là phân khúc trung cấp và bình dân. Dù vậy, VDSC tin rằng khó khăn sẽ không kéo dài mãi, và các doanh nghiệp có khả năng linh hoạt thay đổi chiến lược để thích ứng với khó khăn sẽ có cơ hội tăng trưởng nhanh chóng khi kinh tế toàn cầu hồi phục.

Những tổn thất gây ra bởi sự xoay chiều chính sách tăng trưởng của Trung Quốc khiến các Tập đoàn đa quốc gia tiếp tục đẩy nhanh việc dịch chuyển nhà máy sang các nước lân cận để giảm thiểu rủi ro. Trong đó, Việt Nam vẫn là địa điểm nhiều tiềm năng.

Lãi suất vay mượn tăng nhanh sẽ là áp lực tài chính lớn cho các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao, đặc biệt là các nhóm ngành có dư nợ trái phiếu cao. Bất động sản dân dụng được xem là một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi các diễn biến này. Dù vậy, với tỷ lệ dân số trẻ cao và xu hướng gia đình một thế hệ đang diễn ra, nhu cầu thực về nhà ở vẫn ở mức cao. VDSC tin rằng các nhà BĐS với chính sách phát triển thận trọng và hướng đến phân khúc nhà ở thực vẫn là những ứng viên đáng quan tâm.

VDSC: Nhà đầu tư có thể duy trì chiến lược bơi trong dòng nước ngược, theo dấu dòng tiền ETFs trong năm 2023 - Ảnh 4.

Ngân hàng được xem là một trong những ngành chịu rủi ro cao về nợ xấu trong bối cảnh các hoạt động kinh tế suy giảm. Dù vậy, kinh doanh vốn vẫn là kinh doanh huyết mạch của kinh tế Việt Nam, khi mà tỷ lệ dư nợ tín dụng vẫn ở mức cao so với quy mô GDP của nền kinh tế. Do đó, VDSC cho rằng các ngân hàng có mức độ phơi nhiễm cao với trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường BĐS sẽ gặp áp lực thanh khoản và chi phí tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác. Đồng thời, dù nợ xấu phát sinh do Covid có thể tăng nhanh sau khi Thông tư 03 về gia hạn nợ hết hạn, song VDSC cho rằng chi phí tín dụng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh bởi lý do này khi mà hầu hết các ngân hàng đã trích dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu ngay cả khi chính sách của NHNN không bắt buộc. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, quan sát cho thấy chỉsố P/B của nhóm ngân hàng đã giảm về mức xấp xỉ mức P/B của năm 2012 – 2013, giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng của ngành ngân hàng Việt Nam. Như vậy, để đón đầu một chu kỳ mới trong trung – dài hạn, cổ phiếu ngân hàng cũng là một trong những cổ phiếu không nên bỏ qua trong quá trình sàng lọc đầu tư.

VDSC nhấn mạnh “trong ngành triển vọng sẽ có những cổ phiếu định giá không còn hấp dẫn, và trong ngành kém khả quan sẽ có những doanh nghiệp có khả năng chống chịu tốt trong khủng hoảng nhưng định giá đã bị chiết khấu sâu”. Do đó, đội ngũ phân tích hướng đến việc lựa chọn cổ phiếu hơn là lựa chọn ngành. Một số tiêu chí có thể tham khảo để lựa chọn cổ phiếu bao gồm (1) Định giá đã giảm về mức thấp của chu kỳ kinh tế suy giảm trước; (2) Là những doanh nghiệp tốt trong ngành khỏe và doanh nghiệp khỏe trong ngành kém khả quan; (3) Sử dụng đòn bẩy tài chính thấp và hiệu quả hoạt động cao hơn chi phí lãi vay; (4) Hiệu quả sinh lời trên vốn cao và khả năng trả cổ tức.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm