Tài chính

Bán ngoại tệ can thiệp, hạ nhiệt tỉ giá

Từ 19-4, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán ngoại tệ để can thiệp thị trường theo hình thức giao ngay vào các ngày làm việc trong tuần - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Từ 19-4, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán ngoại tệ để can thiệp thị trường theo hình thức giao ngay vào các ngày làm việc trong tuần - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng trong quý 1, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 19-4, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết tỉ giá USD từ đầu năm đến nay đã tăng tới 4,9%. Ngay vào trưa 19-4, NHNN thông báo đến các ngân hàng về giá bán can thiệp là 25.450 đồng/USD, bằng tỉ giá bán ra niêm yết tại Sở giao dịch NHNN, thấp hơn 23 đồng/USD so với mức trần được phép bán ra cùng ngày.

Sẵn sàng can thiệp để giảm áp lực tỉ giá

Cũng theo ông Tú, mức tăng 4,9% của tỉ giá là "rất đáng quan tâm" dù thấp hơn so với đồng tiền của nhiều nước như đồng baht (Thái Lan) mất giá 7,13%, yen Nhật mất giá 9,69%...

"Quan điểm điều hành tỉ giá là rất linh hoạt. Dù vẫn tiếp tục ổn định tỉ giá cho nền kinh tế nhưng không cố định, ngược lại còn lên xuống để phù hợp với tình hình và tránh những tác động mạnh của thế giới. Chúng tôi sẵn sàng can thiệp bằng nguồn ngoại tệ dự trữ nếu tỉ giá tiếp tục có những tác động tiêu cực", ông Tú nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi vì sao tỉ giá tăng nóng, nhất là trong hai tuần trở lại đây, ông Tú cho rằng là do kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất trong năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Thậm chí, lạm phát của Mỹ vẫn duy trì cao, số liệu việc làm tích cực, thị trường liên tục điều chỉnh. Nhiều dự báo cho rằng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong ba tháng đầu năm nhưng ngược lại đến nay vẫn chưa thấy gì, chưa kể xung đột giữa Ukraine và Nga, Trung Đông diễn biến phức tạp...

Tại thị trường trong nước, chính sách giảm lãi suất để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế, lãi suất đồng VND âm so với lãi suất của đồng USD trên thị trường liên ngân hàng, tạo tâm lý của thị trường là tỉ giá bị đẩy lên một phần.

Mặt khác, nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu sắt thép, xăng dầu, nguyên liệu phục vụ sản xuất... tăng lên cũng là áp lực lên thị trường ngoại tệ trong ba tháng đầu năm.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về giải pháp nào để giảm sức nóng của tỉ giá, ông Phạm Chí Quang - vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) - cho biết NHNN vẫn theo rất sát diễn biến tỉ giá của VND với các đồng tiền khác trên thế giới để có các biện pháp giải tỏa áp lực đối với tỉ giá.

Theo đó, NHNN đã kịp thời giảm áp lực đối với USD thông qua việc phát hành tín phiếu để hút bớt lượng tiền VND dư thừa, giúp tỉ giá biến động trong ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, những ngày gần đây tỉ giá tăng rất nhanh do nhu cầu mua ngoại tệ rất lớn, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sắt thép, xăng dầu sản xuất tăng cao.

Nguồn: Vietcombank - Đồ họa: T.ĐẠT

Nguồn: Vietcombank - Đồ họa: T.ĐẠT

Giải tỏa tâm lý cho thị trường

Để phòng ngừa rủi ro tỉ giá, doanh nghiệp có xu hướng tăng đột biến mua ngoại tệ kỳ hạn, dẫn đến cầu ngoại tệ trong tương lai chuyển sang hiện tại.

Với áp lực tỉ giá này, theo ông Quang, NHNN sẽ công khai phương án việc bán ngoại tệ cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm sang trạng thái ngoại tệ bằng 0 với mức giá 25.450 đồng.

"Đây là biện pháp can thiệp rất mạnh mẽ của NHNN nhằm giải tỏa tâm lý trên thị trường, đảm bảo thanh khoản thị trường ngoại tệ thông suốt, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế" - ông Quang khẳng định.

Ngay sau khi NHNN công bố giải pháp này, theo ông Quang, tâm lý thị trường đã ổn định hơn, các giao dịch ngoại tệ dưới mức bán ra của NHNN. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo sát diễn biến thị trường để có các biện pháp bình ổn thị trường, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như kiểm soát lạm phát.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Minh Tú cho rằng để ứng phó với áp lực tỉ giá tăng, doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều giải pháp như mua theo tỉ giá giao ngay hoặc mua theo kỳ hạn. Nếu ký hợp đồng nhưng chưa đến kỳ thanh toán, doanh nghiệp nên mua luôn nhằm vừa đề phòng tỉ giá tăng thêm vừa giúp doanh nghiệp chủ động tính toán.

"Để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ chính đáng của doanh nghiệp, NHNN sẵn sàng bán can thiệp, nghĩa là cung thêm ngoại tệ ra thị trường. Trường hợp thiếu ngoại tệ, ngân hàng thương mại sẽ mua ngoại tệ của NHNN", ông Tú nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi NHNN có tính đến phương án tăng lãi suất VND để kìm cương tỉ giá, ông Tú cho hay đây cũng là giải pháp nhưng chưa thể nói trước được bởi mục tiêu hiện nay là phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế.

"Tuy nhiên, nếu giảm lãi suất sâu quá, có hệ lụy là người gửi tiền sẽ không gửi nữa mà xoay sang các kênh đầu tư khác. Hơn nữa, lãi suất thấp quá cũng ảnh hưởng đến tỉ giá", ông Tú nói.

Giá bán USD liên tục đụng trần

Những ngày gần đây, các ngân hàng liên tục đưa giá bán USD lên mức trần cho phép trong ba ngày liên tiếp. NHNN cũng liên tục nâng tỉ giá trung tâm.

Cụ thể, ngày 19-4 NHNN niêm yết tỉ giá trung tâm ở mức 24.260 đồng/USD, tăng 29 đồng/USD so với ngày 17-4 và tăng đến 154 đồng nếu tính từ đầu tuần.

Cùng ngày, VietinBank niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần: 25.473 đồng/USD, giá mua USD tăng lên 25.185 đồng/USD. ACB cũng niêm yết giá bán USD ở mức 25.473 đồng/USD, giá mua chuyển khoản 25.240 đồng/USD.

Đây là ngày thứ ba liên tiếp VietinBank và ACB niêm yết giá bán USD ở mức kịch trần. Cùng ngày, Vietcombank cũng gia nhập cuộc đua với mức giá bán 25.473 đồng/USD. Eximbank nâng giá bán USD lên mức 25.472 đồng/USD, giá mua chuyển khoản 25.230 đồng/USD, mua tiền mặt 25.150 đồng/USD.

Tại thị trường tự do, giá bán USD trưa 19-4 ở mức 25.830 đồng/USD, mua vào 25.730 đồng/USD. Như vậy, giá USD tự do đang cao hơn giá bán USD ngân hàng 357 đồng/USD.

Đấu thầu 16.800 lượng vàng

NHNN cho biết 10h ngày 22-4 sẽ đưa 16.800 lượng vàng miếng ra đấu thầu, với tham chiếu đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng, nhằm tăng cung cho thị trường.

Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng.

Tỉ lệ đặt cọc là 10%. Khối lượng tối thiểu mà một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng. Khối lượng tối đa được phép đặt thầu là 20 lô, tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng. Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.

Tuy nhiên, nếu không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu, NHNN sẽ có quyết định hủy kết quả thầu. Trước mắt, theo ông Đào Xuân Tuấn - vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), NHNN sẽ đấu thầu vàng miếng SJC từ nguồn đã có sẵn trong kho.

Sau tin đấu thầu vàng của NHNN, thị trường vàng trong nước lập tức hạ nhiệt. Hôm 19-4, giá vàng thế giới có lúc tăng vọt lên 2.417 USD/ounce theo tin Israel tấn công trả đũa Iran nhưng sau đó giảm về 2.381,8 USD/ounce vào cuối ngày (tương đương 73,15 triệu đồng/lượng theo tỉ giá quy đổi).

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC lại quay đầu giảm. Theo ghi nhận vào chiều 19-4, Công ty SJC niêm yết giá bán vàng miếng ở mức 83,8 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với trước kỳ nghỉ lễ, giá mua vào ở mức 81,8 triệu đồng/lượng. Tại các tiệm vàng, giá bán vàng miếng SJC là 83,6 triệu đồng/lượng, mua vào 82,1 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn 9999 vẫn duy trì khoảng cách giá mua - bán ở mức 1,8 triệu đồng/lượng. Tại Công ty SJC, giá bán vàng nhẫn 9999 được niêm yết ở mức 76,7 triệu đồng/lượng, mua vào 74,8 triệu đồng/lượng. Tại Công ty DOJI, giá bán vàng nhẫn 9999 ở mức 77,35 triệu đồng/lượng, mua vào 75,55 triệu đồng/lượng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm