Doanh nghiệp

Sản phẩm gỗ giả xuất xứ Việt Nam: Ảnh hưởng đến doanh nghiệp

Đường đi của hàng giả “ Made in Viet Nam ”

Chia sẻ với phóng viên, giám đốc một công ty gỗ (xin không nêu tên) có nhà máy đặt tại thành phố Tân Uyên (Bình Dương) cho biết, gỗ vốn là ngành xuất khẩu chủ lực tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, được thị trường thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, do tác động địa chính trị thế giới, dịch COVID-19, cùng với tình trạng “hàng nhái” khiến nhiều DN gỗ lao đao.

Sản phẩm gỗ giả xuất xứ Việt Nam: Ảnh hưởng đến doanh nghiệp- Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy của Công ty Gỗ Lâm Việt (Bình Dương).

Doanh nhân này tiết lộ, ông từng được vài DN hoạt động trong ngành gỗ ở nước ngoài đề nghị hợp tác thành lập công ty lắp ráp các mặt hàng đã sản xuất sẵn từ nước ngoài rồi lấy thương hiệu Việt Nam cho sản phẩm. Ông chia sẻ: “Họ đưa ra giá trị lợi nhuận rất cao song do nhận thức được tác hại của việc hợp tác để giả mạo xuất xứ hàng hóa nói trên nên tôi không đồng ý. Sau đó, họ cũng tìm được DN khác để tiến hành hợp tác theo cách thức mà tôi đã từ chối”.

Khẳng định hiện tượng trên là có thật, ông Phạm Văn Xô - Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương cho biết, ông đang làm chủ một công ty và được không ít DN nước ngoài tìm đến mời hợp tác. Ông Xô đã từ chối thẳng thừng khi nghe đến việc hàng hóa sản xuất ở nước ngoài lấy nhãn mác xuất xứ “Made in Viet Nam”.

“Tình trạng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài muốn được chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ, sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba là rất đáng lo ngại. Việc gian lận xuất xứ hàng hóa, khiến nhiều ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương nói.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, các sản phẩm gỗ giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam nhằm trục lợi thuế khi xuất khẩu sang các nước khác không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín thương hiệu ngành gỗ trong nước.

Chủ tịch BIFA nêu dẫn chứng: “Nhiều mặt hàng gỗ không ghi xuất xứ hàng hóa nhưng bằng nhiều phương thức, thủ đoạn, các đối tượng nước ngoài đưa vào Bình Dương kinh doanh, tiêu thụ, thành lập công ty với nhiều loại hàng hóa, thiết bị, linh kiện khác nhau, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh và lấy thương hiệu “Made in Viet Nam”.

Theo ông Liêm, một số mặt hàng ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro về lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tại thị trường Mỹ. Rủi ro được hình thành khi các mặt hàng này hoặc bộ phận của mặt hàng được nhập khẩu, lắp ráp tại Việt Nam, lấy nhãn mác xuất xứ từ Việt Nam trong khi không đủ điều kiện để có được chứng nhận xuất xứ theo quy định nhưng sau đó được xuất khẩu vào Mỹ. Nhiều DN gỗ ở Bình Dương đã bị ảnh hưởng về việc này.

Sản phẩm gỗ giả xuất xứ Việt Nam: Ảnh hưởng đến doanh nghiệp- Ảnh 2.

Tại Công ty nội thất Mê Kong (Bình Dương).

Giải thích lý do các công ty ở nước ngoài tìm cách tiếp cận DN tại Việt Nam, Chủ tịch BIFA cho biết, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Từ đó, một số công ty sản xuất hàng hóa ở nước ngoài, bằng cách thức khác nhau, tìm cách đưa hàng hóa vào Việt Nam, gian lận xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu, hưởng ưu đãi thuế dành cho nước thành viên của các hiệp định mà ở nước họ không có.

“Siết đầu vào, soát đầu ra”

Từ những bất cập, khó khăn mà các DN đang gặp phải trong thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương kiến nghị các ngành chức năng nghiên cứu biện pháp về phòng vệ thương mại. Cụ thể, hiện nay, các nước hạn chế gian lận thương mại bằng cách yêu cầu chứng minh chuỗi cung ứng. Công ty xuất khẩu sản phẩm phải chứng minh được đang nằm trong chuỗi cung ứng của sản phẩm đó. Nếu không, chắc chắn công ty đó gian lận xuất xứ.

“Việt Nam cần phải làm như vậy mới có thể tránh được việc các công ty đầu tư nước ngoài chen ngang sản phẩm và mượn xuất xứ Việt Nam. Để làm được điều này, cần phải kiểm soát cả đầu ra và đầu vào, kể cả các DN trong nước” - Chủ tịch BIFA Nguyễn Liêm đề xuất.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Thanh Bình, cho biết, với hơn 85% DN hoạt động gia công, sản xuất, xuất khẩu được hưởng các quy định về miễn thuế nên địa phương này luôn tiềm ẩn nguy cơ về gian lận thương mại. “Hải quan Bình Dương đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát, chủ động rà soát những bất cập về chính sách để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, đấu tranh chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Mặt khác, tỉnh chú trọng công tác tự đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm soát hải quan để bảo đảm thực thi hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn” - ông Bình cho hay.

Theo luật sư Nguyễn Thị Lan Anh, Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam, cá nhân chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp để tăng lợi nhuận kinh doanh, không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm thì sẽ bị xử lý về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Ngoài phạt tiền, tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có khung hình phạt tới 3 năm tù.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm