Các mức giá trên đúng bằng đề xuất trước đó của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trong đề xuất, EVN cho biết, hiện nay chưa có các báo cáo nghiên cứu khả thi được thực hiện cho các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Các kết quả tính toán sơ bộ bộ thông số đầu điện gió ngoài khơi do Viện Năng lượng thực hiện được cập nhật suất đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi theo tài liệu Cẩm nang công nghệ Việt Nam và Đan Mạch.
Từ các tài liệu này, EVN đã tính toán khung giá phát điện nhà máy điện gió ngoài khơi chia theo 3 khu vực là miền Bắc, Nam Trung bộ và miền Nam.
Cụ thể, ngày 23.5.2025, EVN đã có báo cáo kết quả tính toán khung giá phát điện với loại hình nhà máy điện gió ngoài khơi. Theo đó, mức trần giá điện (không bao gồm thuế VAT) của khung giá phát điện loại hình nhà máy điện gió ngoài khơi tại khu vực Bắc bộ (địa điểm ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình) là 3.975,1 đồng/kWh; khu vực Nam Trung bộ (địa điểm ở Bình Thuận) 3.078,9 đồng/kWh và Nam bộ ((địa điểm ở Bà Rịa Vũng Tàu) 3.868,5 đồng/kWh.
Theo tính toán của EVN, suất đầu tư để làm điện gió ở các khu vực là 93,565 triệu đồng cho 1 kW (với tỷ giá ngoại tệ 25.450 VND đổi 1 USD), tương đương 93 tỉ đồng cho 1 MW.
Tuy nhiên, hệ số công suất các khu vực có sự khác nhau như tại Bắc bộ là 38,4%; tại Nam Trung bộ 49,6% và Nam bộ 39,5% nên điện năng bình quân nhiều năm tại điểm giao nhận tại các khu vực tương ứng là 1,681 tỉ kWh; 2,171 tỉ kWh và 1,728 tỉ kWh.

Đến năm 2030, dự kiến Việt Nam có 6.000 MW điện gió ngoài khơi
ẢNH: ĐỘC LẬP
Sau khi có đề xuất của EVN, Cục Điện lực (Bộ Công thương) đã đề nghị Hội đồng năng lượng gió toàn cầu và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch góp ý kiến cho khung giá phát điện với loại hình điện gió ngoài khơi để có cơ sở báo cáo Bộ.
Theo Bộ Công thương, EVN và đơn vị phát điện ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về phương pháp xác định giá dịch vụ phát điện do Bộ Công thương ban hành.