Trong thời gian gần đây, nhiều khách hàng tại TP HCM nhận ra các cửa hàng Bách Hóa Xanh trong khu vực bị đóng cửa ngày càng nhiều. Điều này khiến dư luận hoang mang không rõ sự tình như thế nào.
Ra mắt năm 2015, Bách Hóa Xanh là chuỗi cửa hàng thực phẩm kết hợp hai mô hình siêu thị và chợ truyền thống do CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) thành lập.
Tính đến tháng 4, MWG công bố chuỗi Bách Hóa Xanh khi đó sở hữu khoảng 2.140 cửa hàng. Tuy nhiên, ở thời điểm chiều ngày 11/7, website của Bách Hóa Xanh ghi nhận khoảng 1.952 cửa hàng. Như vậy, từ khoảng tháng 4 đến đầu tháng 7, chuỗi Bách Hóa Xanh đã giảm 188 cửa hàng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thành Phong, Giám đốc Truyền thông của TGDĐ cho biết một số cửa hàng Bách Hóa Xanh hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng một số tiêu chí mới về kinh doanh đang tiến hành thanh lý và đóng cửa. Vị đại diện cho biết các thông tin thay đổi tiêu chí kinh doanh của cửa hàng Bách Hóa Xanh đã được MWG nêu ra trước đó.
"Hiện tại, Bách Hóa Xanh đang áp dụng tiêu chí mới về layout (cách bố trí sắp xếp gian hàng) cho từng cửa hàng, các chi nhánh không đáp ứng sẽ bị loại bỏ", ông Phong nói.
Trả lời câu hỏi tại sao Bách Hóa Xanh lại không tiến hành nâng cấp cửa hàng thay vì cắt giảm, vị đại diện TGDĐ cho biết điều này dựa vào nhiều yếu tố, ví dụ một số cửa hàng không đáp ứng diện tích theo tiêu chuẩn thì cũng sẽ bị cắt giảm.
"Cửa hàng có diện tích nhỏ hoặc lớn quá mà không cần thiết thì TGDĐ sẽ tiến hành xem xét. Nếu cửa hàng nào vận hành không hiệu quả so với diện tích thuê mặt bằng, cửa hàng đó sẽ bị cắt giảm", ông Phong nói.
Vị đại diện thông tin yếu tố tài chính như chi phí thuê mặt bằng, kết quả kinh doanh của từng cửa hàng... cũng là yếu tố ảnh hưởng tới quyết định cắt giảm. Về quy mô cửa hàng bị đóng cửa, đại diện MWG từ chối tiết lộ.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh tháng 5, MWG đã nêu lộ trình tái định vị và củng cố nền tảng vận hành năm 2022.
Theo đó, kể từ tháng 4/2022, chuỗi siêu thị Bách hóa Xanh đã trong quá trình nêu trên và dự kiến sẽ hoàn thành trong cuối quý IV. Ở giai đoạn 1 và 2 (tháng 4 và 5) chuỗi Bách hóa Xanh sẽ chuẩn hóa diện tích, chỉ tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, xây dựng chính sách bán hàng mới, thay đổi trang trí và nhận diện. Đáng chú ý, trong MWG đặt mục tiêu thay đổi layout khoảng 50% trong tổng số 2.104 cửa hàng.
Ở giai đoạn 3, Bách hóa Xanh sẽ chuẩn hóa số cửa hàng hiện hữu, rà soát và xử lý các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả, hoàn tất xử lý tồn kho phát sinh do hạ diện tích và giảm số lượng SKUs kinh doanh tại cửa hàng. Dự kiến giai đoạn này sẽ diễn ra trong quý III.
Đến giai đoạn 4, MWG đặt mục tiêu cơ bản hoàn tất tự động hóa nền tảng back-end (dự báo mua hàng, tối ưu hóa danh mục sản phẩm kinh doanh cho từng cửa hàng, nâng cấp chất lượng dịch vụ...). Bách Hóa Xanh dự kiến sẽ đạt doanh thu 1,3 tỷ đồng/cửa hàng, bên cạnh đó là việc cải thiện kênh mua sắm online nhằm cải thiện kết quả kinh doanh.
Trong hai tháng 5 và 6, TGDĐ sẽ tiến hành chuyển nhượng 99,95% cổ phần trong đơn vị vận hành chuỗi Bách Hóa Xanh - CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh, cho công ty mới thành lập là CTCP Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh.
Đây là động thái mở đường cho CTCP Công nghệ và Đầu tư Bách Hoá Xanh mua lại toàn bộ cổ phần đơn vị chủ quản hiện nay của chuỗi Bách Hoá Xanh, tiến tới bán 20% vốn chuỗi này trong năm 2022 - 2023.
CTCP Công nghệ và Đầu tư Bách Hoá Xanh sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư với tỷ lệ chào bán tối đa là 20%. Người mua là những đối tác, nhà đầu tư trong nước, trong khu vực hoặc trên thế giới (ngoại trừ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại Việt Nam).
Mục đích của đợt phát hành riêng lẻ cổ phần tại Bách Hoá Xanh nhằm đầu tư tăng vốn cho chuỗi này để tập trung cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ, đầu tư kênh bán hàng online và và mở rộng chuỗi ra toàn quốc.