Xã hội

Bà ngoại thất nghiệp chăm cháu mồ côi ở TP.HCM: Mong có mái ấm cưu mang

Tóm tắt:
  • Bà Nguyễn Thị Kim Hoa (54 tuổi) sống khó khăn cùng cháu mồ côi tại TP.HCM sau đại dịch Covid-19.
  • Bà Hoa bị đau cột sống, không thể làm việc nặng để nuôi cháu.
  • Bà đã cho cháu nghỉ học do không đủ tiền đóng học phí và không có khả năng đưa đón.
  • Bà muốn dạy cháu đọc và đếm nhưng chỉ có kiến thức hạn chế.
  • Bà dự tính gửi cháu vào trung tâm bảo trợ xã hội nếu tình hình không cải thiện.

Con gái bà Hoa bị bệnh tâm thần. Bà dù đã luống tuổi nhưng vẫn cố gắng đi làm nuôi đứa cháu mồ côi tội nghiệp.

Bà Hoa cùng cháu gái mồ côi rày đây mai đó ở TP.HCM. Có khi bà thuê trọ với giá 1,6 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm điện nước. Vì quá nóng, bà đành dùng những tấm chăn làm lớp la phông cách nhiệt. Bớt được chút nóng nhưng đầy rủi ro nếu có sự cố.

Chật vật "chạy" tiền phòng trọ

Sau những ngày giãn cách vì dịch Covid-19, nhờ sự giúp đỡ từ một số bạn đọc Báo Thanh Niên nên bà cũng lấy được chiếc xe máy đã cầm cố để đi làm nuôi cháu.

Nhờ công việc tạp vụ theo giờ, hai bà cháu cũng bữa cơm, bữa cháo nương tựa nhau sống. Tuy nhiên, sau vụ tai nạn xe máy khi đi làm về đã làm ảnh hưởng tới cột sống, từ đó sức khỏe của bà giảm sút, không thể làm việc nặng. 

"Cứ đứng một chút là cái lưng cô đau không chịu nổi. Mấy tháng nay trong nhà có gì bán được là cô bán hết, bán được năm ba chục gì cô cũng bán để có tiền cho cháu ăn", bà buồn bã nói.

Bà ngoại thất nghiệp chăm cháu mồ côi ở TP.HCM: Mong có mái ấm cưu mang- Ảnh 1.

Bà hoa và cháu gái mồ côi

ẢNH: NGUYỄN ANH

Trong căn phòng hiện tại, ngoài một vài đồ dùng để nấu ăn và cái quạt thì không còn thứ gì giá trị. Cái điện thoại cảm ứng duy nhất dùng để lên ứng dụng nhận tin tạp vụ theo giờ, bà cũng phải bán đi để có tiền đóng trọ và lo cho cháu gái.

Để có tiền, ai kêu gì bà Hoa cũng làm, miễn là không sai trái, vi phạm pháp luật. Thế nhưng không chỉ luống tuổi mà vì đứa cháu gái còn nhỏ, bà không đành lòng để ở nhà một mình nên chuyện tìm việc làm đã khó lại càng khó. Gửi người lạ thì bà không yên tâm. Gửi ở trường thì bà không có tiền đóng học phí.

Thất nghiệp nên hằng tháng, bà Hoa phải chạy vạy khắp nơi để xoay sở tiền nhà. Biết hoàn cảnh của bà nên một số người quen biết cho vay để đóng tạm. “Vay hoài người ta thì không được vì cô không đi làm, không có tiền trả lại người ta”.

Làm bà, làm mẹ nhưng không thể làm cô

Khó khăn là vậy nhưng khi cháu đủ tuổi vào lớp 1, bà Hoa cũng cố gắng lo cho cháu nhập học ở một trường tiểu học ở quận 4. Tuy nhiên, chưa được nửa học kỳ 1 thì bà đành phải cho cháu nghỉ học vì không có tiền đóng học phí và cũng không thể vừa đi làm vừa đưa đón.

Để cháu ở nhà, thỉnh thoảng, bà Hoa cũng dùng ít kiến thức ít ỏi của mình để dạy cháu đọc bảng chữ cái hay đếm số. Đứa cháu dù nhỏ nhưng rất nghe lời, được bà chỉ cho con số, mặt chữ thì cứ đọc suốt. Thế nhưng, đó là những gì bà có thể làm. 

"Cô sợ bé bị mù chữ, bé đã mồ côi giờ lại không biết chữ, tội bé mà giờ cô không biết phải làm sao. Cô cũng muốn cho bé tới trường nhưng tại vì cô không có khả năng", bà buồn bã.

Bà ngoại thất nghiệp chăm cháu mồ côi ở TP.HCM: Mong có mái ấm cưu mang- Ảnh 2.

Thỉnh thoảng, bà Hoa dạy cháu bảng chữ cái và số đếm

ẢNH: NGUYỄN ANH

Mặc cảm về hoàn cảnh khiến từ khi qua chỗ trọ mới, bà thường đóng cửa ở trong phòng chứ ít khi ra ngoài hay giao lưu với những phòng xung quanh. Để đứa cháu đỡ buồn, những lúc đi làm, bà xin lại đồ chơi cũ hoặc những thú bông cũ về để cháu chơi.

Nhìn đứa cháu hồn nhiên đọc từng con chữ, thỉnh thoảng lại hỏi lúc nào con mới được đi học lại mà bà ứa nước mắt. Bà chỉ ước giá như con bà không mắc bệnh tâm thần phải gửi vào trung tâm điều trị thì giờ cháu bà đã không phải khổ như bây giờ.

Quá khó khăn, bà cũng từng định gửi cháu vào trung tâm bảo trợ xã hội vì ít nhất sẽ có nơi ăn, chốn ở. Tuy nhiên, nghĩ đến đứa con gái đang phải điều trị ở trung tâm bảo trợ xã hội cho người bệnh tâm thần, bà lại không đành lòng.

Cũng từ ngày bà Hoa đau đớn gửi con mình, cũng là mẹ của đứa cháu tội nghiệp vào Trung tâm điều dưỡng người tâm thần, bà cũng chưa thể đủ điều kiện để lên thăm. Bây giờ, việc lo cho bữa cơm của 2 bà cháu còn khó thì nói gì đến việc gặp con.

Bà Hoa buồn bã nhìn cuốn sổ hộ khẩu với nhiều nhân khẩu nhưng giờ chỉ có 2 bà cháu nương tựa vào nhau. 

"Giờ cô chỉ mong mình hết bệnh cột sống để đi làm có tiền lo cho bé đi học trở thôi. Còn không được, có lẽ cô cũng phải đành tìm một trung tâm bảo trợ xã hội để nhờ người chăm sóc cho bé”, bà Hoa trăn trở.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Cảnh báo hệ luỵ từ trục lợi bảo hiểm

Thông tin một người phụ nữ ở Quảng Nam bị điều tra vì liên quan đến cái chết của con trai và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đã thu hút sự chú ý của dư luận. Sự việc không chỉ khiến nhiều người giật mình mà còn đặt ra cảnh báo về vấn nạn trục lợi bảo hiểm ngày càng phức tạp hiện nay.

Giá vàng như lên đồng, mỗi ngày tăng hơn 100 USD, lập kỷ lục mới

Giá vàng tăng hơn 100 USD trong một ngày, lập mức cao kỷ lục 3.345 USD/ounce, khi giới đầu tư lo ngại bất ổn địa chính trị và căng thẳng thương mại toàn cầu. Theo chuyên gia chiến lược kỹ thuật Katie Stockton, thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn biến động mạnh và vàng tiếp tục là điểm sáng giữa cơn bão tài chính.