Doanh số bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử TikTok tại Mỹ đang có dấu hiệu sụt giảm. Nhiều nền tảng theo dõi dữ liệu và người bán cho biết nguyên nhân đến từ các mức thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc. Những chính sách này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại xuyên biên giới.

Ảnh: Nikkei Asia.
Theo số liệu từ EchoTik – một trang web chuyên theo dõi doanh thu trên TikTok, tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của TikTok Shop tại Mỹ trong tuần vừa qua đạt 197,4 triệu USD. Con số này giảm so với 250,9 triệu USD của tuần trước đó. Trước khi Mỹ công bố mức thuế “đáp trả tương ứng” với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, GMV từng đạt 290,8 triệu USD vào tuần cuối tháng 3.
Ngày 15/4 giờ Việt Nam, Nhà Trắng thông báo rằng Trung Quốc có thể phải chịu mức thuế lên tới 245% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Đây là phản ứng từ phía Mỹ sau các biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Mức thuế cao như vậy có thể khiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhiều khó khăn.
TikTok Shop, cùng với các nền tảng như Shein và Temu, đang trở thành những kênh mua sắm chính kết nối người bán hàng Trung Quốc với người tiêu dùng Mỹ.
Thành công của các nền tảng này một phần nhờ chính sách miễn thuế “de minimis”. Theo đó, các đơn hàng có giá trị dưới 800 USD được phép nhập khẩu vào Mỹ mà không bị đánh thuế. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ dự kiến sẽ chấm dứt chính sách miễn trừ này đối với Trung Quốc vào ngày 2/5. Điều này có thể khiến chi phí mua sắm từ các nền tảng xuyên biên giới tăng lên rõ rệt.
Qian Liu, một người bán mỹ phẩm tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, vừa quyết định ngừng bán hàng sang Mỹ. Cô chuyển hướng sang thị trường châu Âu và Đông Nam Á. Cô cho biết: “Nếu phải trả thuế như quy định mới, chúng tôi sẽ không còn lợi nhuận”.
Luo Ziyan, người sáng lập công ty thương mại điện tử Uebezz, nói rằng nhóm của cô đã tăng giá bán trên TikTok Shop cho khách hàng Mỹ khoảng 10%. Việc này nhằm bù đắp chi phí vận chuyển và thông quan đang tăng.
Hiện tại, chi phí gửi hàng sang Mỹ là 24 tệ mỗi kg (tương đương 3,28 USD), cao hơn so với mức 15 tệ trước đây.
Cô cho biết doanh số bán hàng hiện vẫn chưa bị ảnh hưởng.
TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, không công bố kết quả kinh doanh. Công ty cũng chưa đưa ra bình luận nào khi được hỏi.
Mặc dù doanh thu trên TikTok Shop đang giảm, nhưng có thể đây chỉ là xu hướng tạm thời. Theo ông Wang Haizhou, nhà sáng lập nền tảng theo dõi dữ liệu EchoTik, nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng Trung Quốc vẫn rất lớn. Ông dẫn chứng sự tăng trưởng nhanh chóng của ứng dụng thương mại điện tử DHgate.
Theo dữ liệu từ công ty theo dõi lưu lượng truy cập Sensor Tower, DHgate đã vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí trên App Store tại Mỹ, chỉ sau ChatGPT. Cách đó vài ngày, ứng dụng này còn nằm ngoài top 200.
Sự bùng nổ này đến từ các video trên TikTok do các nhà sản xuất Trung Quốc đăng. Trong đó, họ khẳng định cung cấp các sản phẩm tương tự hàng hiệu quốc tế nhưng với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá bán lẻ.