Vàng lại tăng giá mạnh
Giá vàng đã bứt phá mạnh mẽ trong ngày thứ Tư, tăng hơn 100 USD trong phiên để chạm mức cao lịch sử 3.345 USD/ounce. Nguyên nhân chính đến từ tâm lý lo ngại rủi ro gia tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại toàn cầu leo thang, khiến nhà đầu tư rút khỏi cổ phiếu và đổ tiền vào tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, bà Katie Stockton – nhà sáng lập và đối tác điều hành của Fairlead Strategies – cho biết, biến động gần đây trên thị trường chứng khoán không phải hiện tượng nhất thời, mà có thể là dấu hiệu khởi đầu cho một năm đầy thách thức đối với các tài sản rủi ro như cổ phiếu.
Stockton nhấn mạnh rằng các chỉ báo kỹ thuật dài hạn đã phát ra tín hiệu bán – điều hiếm thấy trong nhiều năm qua. Các chỉ số lớn như S&P 500 đã xác nhận xu hướng suy yếu, báo hiệu một thời kỳ biến động cao hơn đang tới gần.
Cùng ngày giá vàng lập đỉnh, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng công bố hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu. Cụ thể, thương mại hàng hóa dự kiến giảm 0,2% trong năm 2025 và có thể giảm tới 1,5% nếu các biện pháp thuế trả đũa được triển khai đầy đủ.
Bên cạnh đó, căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng nghiêm trọng. Cổ phiếu của Nvidia đã giảm mạnh sau khi công bố khoản lỗ 5,5 tỷ USD liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu chip của Mỹ sang Trung Quốc – một đòn giáng mạnh vào ngành công nghệ.
Trong bối cảnh đó, Stockton cho rằng xu hướng tăng giá của vàng là hoàn toàn hợp lý về mặt kỹ thuật. Dù có những dấu hiệu tạm thời cho thấy “quá đà tăng”, bà vẫn giữ đánh giá tích cực và cho rằng vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ trên cả biểu đồ ngày, tuần lẫn tháng.
Theo Stockton, trong khi vàng dẫn đầu làn sóng tài sản an toàn, các mặt hàng khác lại cho thấy bức tranh trái chiều. Dầu thô đã "gãy" xu hướng tăng gần đây, còn khí tự nhiên dường như đang trong giai đoạn tích lũy dài hạn. Đồng – kim loại công nghiệp quan trọng – thì biến động mạnh, đòi hỏi nhà đầu tư phải “bắt nhịp đúng sóng”.
Bitcoin cũng không còn giữ được vai trò là nơi trú ẩn tài sản. Stockton nhận định tiền số này đang dao động giống tài sản rủi ro hơn là “vàng kỹ thuật số”. Do đó, bà duy trì quan điểm trung lập với Bitcoin trong dài hạn.

Nhà đầu tư nên làm gì trong bối cảnh hiện tại?
Với diễn biến bất ổn trên thị trường cổ phiếu, Fairlead’s Tactical Sector ETF (TACK) – quỹ do Stockton điều hành – đang chuyển hướng sang chiến lược phòng thủ. Cụ thể, TACK đang giảm tỷ trọng cổ phiếu công nghệ và tăng đầu tư vào các ngành ổn định như bất động sản, tiện ích, hàng tiêu dùng thiết yếu, trái phiếu chính phủ và vàng.
Hiện TACK vẫn giữ 87% danh mục là cổ phiếu, Stockton cho biết mô hình đầu tư của họ mang tính hệ thống và sẵn sàng giảm tỷ trọng xuống còn 12,5% nếu thị trường xấu đi. “Chúng tôi đang từng bước rút khỏi các ngành rủi ro và sẽ tiếp tục như vậy nếu điều kiện không cải thiện,” bà nói.
Đặc biệt, Stockton cảnh báo rằng nhóm cổ phiếu công nghệ lớn – vốn là trụ cột của đà tăng sau đại dịch – đang mất đà. Nasdaq 100 vừa nhận tín hiệu bán đầu tiên kể từ năm 2022, còn cổ phiếu Nvidia dù vẫn trên vùng hỗ trợ kỹ thuật nhưng được khuyên là nên chốt lời trong ngắn hạn.
Dù hiện tại thị trường tài chính còn nhiều bất ổn, Stockton cho biết một số chỉ báo kỹ thuật đang hé lộ tín hiệu tích cực cho năm 2026 – thời điểm bà kỳ vọng xu hướng tăng sẽ quay trở lại.
Tuy nhiên, trước mắt, một yếu tố cần theo dõi sát là biên độ tín dụng (credit spreads). Việc các chỉ báo kỹ thuật hình thành mô hình "hai đáy" có thể là dấu hiệu rủi ro với nền kinh tế, hoặc ít nhất là sự bất an đang lan rộng.
Với góc nhìn phòng thủ, bà khuyên nhà đầu tư nên ưu tiên các ngành phòng thủ, giữ tỷ lệ tiền mặt cao và kiên nhẫn chờ cơ hội tốt hơn. “Tiền mặt là công cụ có thể tận dụng khi thị trường rõ xu hướng hơn,” bà kết luận.