Trả lời:
Khoảng 20-30% người bệnh ung thư vú có nguy cơ tái phát vào một thời điểm nào đó sau điều trị lần đầu. Ung thư có thể tái phát ở cùng vị trí với ung thư ban đầu (tái phát tại chỗ) hoặc lan sang các vùng khác (di căn xa).
Trong và sau khi điều trị ung thư vú, bạn không cần ăn uống kiêng khem quá mức, cũng không ăn quá ít hoặc quá nhiều một loại thực phẩm. Thay vào đó, bạn nên ăn uống cân bằng, đa dạng thực phẩm với đủ chất dinh dưỡng như tinh bột, chất đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất... Tránh dùng thực phẩm chế biến sẵn vì chứa nhiều natri, chất bảo quản, có thể làm tăng nguy cơ viêm, bệnh huyết áp, thận. Khi chế biến, người bệnh hạn chế nấu nướng ở nhiệt độ cao, xào rán dầu mỡ nhiều lần...
Riêng người bệnh ung thư vú thể nội tiết nên hạn chế ăn đậu nành, nhất là thực phẩm từ đậu nành đã qua chế biến như bánh burger đậu nành, xúc xích, kem, thanh protein từ đậu nành...

Bác sĩ Mạnh tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Người bệnh nên điều trị đủ phác đồ theo chỉ định của bác sĩ như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, uống thuốc nội tiết... để hạn chế khả năng tái phát. Vận động, tập thể dục mỗi ngày, giữ tinh thần lạc quan, thả lỏng tâm trí... giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, phòng tái phát ung thư vú sau điều trị.
Bạn cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để có thể sớm phát hiện bất thường (nếu có). Khi có các biểu hiện xuất hiện khối u mới ở ngực hoặc nách, vùng da ngực lồi lõm, nhăn nheo, viêm da, nổi mẩn đỏ ở ngực, tiết dịch nhũ hoa, sụt cân không rõ nguyên nhân... người bệnh nên tái khám với bác sĩ chuyên khoa Ngoại vú - Đầu Mặt Cổ để được kiểm tra, chẩn đoán kịp thời.
Khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |