Mỗi thế hệ sẽ có những cách chi tiêu khác nhau. Liệu câu chuyện tiền bạc của các bà các mẹ ở thế hệ trước có phải lỗi thời không? Đối với tớ thì không, tớ đã lớn lên bằng những bài học về tiền bạc quý giá từ những người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời mình.
Bà ngoại (mạnh mẽ nhất nhà), 80 tuổi: Tiết kiệm mới có cái mà ăn
Bà tớ ngoài 80 rồi, nhưng chỉ cần sáng không mưa thì đều đi bộ ra chợ mua thức ăn cho cả nhà. Bà bảo là như vậy rẻ hơn mà còn tươi hơn nữa. Ở cái tuổi ấy, đáng lẽ chỉ cần ở nhà tận hưởng, nhưng bà tớ vẫn muốn tự làm tất cả. Vì con, vì cháu là niềm vui ấy mà!
Sinh ra ở thời chiến, bà cùng ông nuôi 7 người con nên người, cho ăn, cho học đầy đủ. Bà chỉ làm nông thôi, thế mà tiết kiệm như nào, mỗi khi gặp tớ bà đều bảo có chỉ vàng để dành làm của hồi môn khi tớ cưới chồng.
Không chỉ chăm con mà còn rất lo lắng cho các cháu nữa. Cứ như vậy từ những bữa đồng áng, bữa được bữa không, bà chi tiêu dè dặt, tiết kiệm để được như bây giờ. Tớ luôn nghĩ là nếu mình mà sinh ở thời của bà chắc chẳng bao giờ có thể trụ được.
“Thời xưa ấy mà, đủ ăn đủ mặc là tốt rồi. Bây giờ thì tốt hơn rồi, nhưng vẫn hãy tiết kiệm nhé con.”
- Tiết kiệm nuôi dạy 7 người con nên người
- Luôn giữ thói quen chi tiêu hợp lý
- Không tiếc gì cho con cháu nhưng cho bản thân mình thì hay "xuề xoà"
Mẹ (đáng yêu chút chút), sắp về hưu: Đã chuẩn bị khoản hưu trí đầy đủ
Đến bây giờ, mẹ tớ đã đi làm hơn 25 năm, cũng chuẩn bị sắp về hưu rồi. Mỗi lần nhắc đến chuyện sinh lão bệnh tử, mẹ tớ đều bảo đã có chuẩn bị trước. Tớ với em gái chỉ cần sống tốt cuộc sống của mình là được rồi, bố mẹ có thể tự lo cho bản thân.
Bật mí xíu, mẹ tớ có tận mấy cái sổ tiết kiệm, rồi vài cái bảo hiểm nhân thọ. Lúc nào cũng luôn có những quỹ khẩn cấp để lỡ có chuyện gì bất trắc, xử lý được luôn. Từ bé đến giờ, tớ vẫn không hiểu sao với mức thu nhập của những người làm công ăn lương, mẹ tớ vẫn có thể vừa chi tiêu thoải mái, vừa tiết kiệm như siêu nhân vậy.
Mẹ lúc nào cũng lập kế hoạch tài chính cẩn thận cho mọi trường hợp biến động có thể xảy ra, đề cao lối sống tự lập, không dựa dẫm vào ai. Mẹ tớ mãi là người đỉnh nhất trong lòng tớ.
Nhưng không ai hoàn hảo 100% mà. Mẹ tớ cũng giống như nhiều người mẹ khác trên đời thích chuyện bếp núc. Mẹ tớ nấu ăn siêu ngon luôn, và cũng chi nhiều tiền cho mấy vật dụng nấu ăn. Nào là bếp nướng, máy làm sữa đậu nành, máy ép,.... đủ thể loại luôn. Nhưng có nhiều cái mua về xong dùng được 1-2 lần lại cất tủ. Còn những cái như kiểu kính lão, dụng cụ tập thể dục,... thì thường sao cũng được.
Nhiều khi tớ phát cáu luôn ấy vì những thứ đáng để chi tiêu thì mẹ tiết kiệm quá đà. Chỉ mong bản thân có thể nhanh chóng tự lập, thu nhập tốt hơn để mua thật nhiều món ngon của lạ cho mẹ.
- Luôn có kế hoạch tài chính sẵn sàng cho tương lai
- Tiết kiệm siêu đỉnh, có vài cái sổ liền - nhưng đôi lúc cũng tiết kiệm những cái không đáng
- Hay mua đồ bếp nhưng về không dùng đến nơi
Tớ (đang nỗ lực trưởng thành), 24 tuổi: Bắt đầu đầu tư chứng khoán
Cả nhà tớ đều không làm công việc đến tài chính. Hơn nữa, đều là những người trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2008, gia đình tớ cũng chứng kiến nhiều người lao đao vì đầu tư. Cho nên, bố mẹ thật sự cảm thấy việc đầu tư quá rủi ro.
Vì vậy từ khi còn bé, tớ chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bắt đầu đầu tư chứng khoán. Tớ cũng sợ phải bước ra khỏi vòng an toàn của mình, làm một việc gì rủi ro đến vậy. Song, học trong môi trường kinh tế, với một ít kiến thức trong tay, tớ nghĩ mình có thể cho bản thân cũng như chứng khoán một cơ hội.
Tớ đã kết thúc tuổi 20, bắt đầu tuổi 21 bằng cách bỏ một số vốn nhỏ tập tành đầu tư chứng khoán . Có lời, có lỗ, nhưng hơn hết, thật sự cảm thân bản thân đã chuẩn bị kỹ càng trước khi tham gia vào thị trường. Những trải nghiệm cũng đã giúp mình cọ xát. Đôi lúc cũng kiếm được chút ít đủ để chi trả những món đồ mình yêu thích từ lâu.
“Chơi chứng” không rủi ro đến vậy, quản trị danh mục thật tốt, hiếm ai lâm vào cảnh “tán gia bại sản". Đây cũng là nguồn thu nhập thụ động giúp mình tiến gần hơn tới các mục tiêu tài chính của mình.
Hơn thế nữa, từ ngày “vũ trụ" chứng khoán xâm chiếm, tớ đâm ra tiết kiệm hơn hẳn. Vì ngoài những chi tiêu thiết yếu và một số tiền để tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp, tớ đều để đầu tư chứng khoán hết.
Dù vậy, tớ cũng thật sự là một đứa nghiện ăn uống. Mỗi năm nhìn lại, tớ phải chi tiêu gần chục triệu để mua đồ ăn trên các ứng dụng giao hàng. Đó là chưa kể đi ăn ngoài nữa đó! Nếu mẹ tớ biết chuyện này, tớ coi như "xong" luôn.
Không có gì nhiều, mong bản thân tớ học hỏi nhiều hơn, đầu tư thành công, chi tiêu thông minh hơn. "Giàu sang phú quý" đang chờ phía trước.
- Tập tành đầu tư ở độ tuổi 20
- Đầu tư chứng khoán nên đâm ra tiết kiệm, chi tiêu hiệu quả hơn trước
- Vẫn xài nhiều tiền cho chuyện ăn uống bên ngoài
Em gái (siêu tròn), 17 tuổi: Có thâm niên “bỏ lợn” tiết kiệm gần 10 năm
Lúc còn nhỏ, bố mẹ đã mua cho em tớ một con lợn. Thường được hay cho tiền ăn vặt hoặc các dịp lễ Tết nên nó hào hứng với việc được bỏ lợn lắm.
Từ từ thành thói quen đến bây giờ, em tớ cũng không biết thay được bao con lợn. Bây giờ lợn của nó chắc cũng "béo múp" rồi. Em gái tớ còn có biệt danh là "siêu tròn". Tức là mỗi lần nó có 45k thì sẽ xin thêm 5k nữa cho tròn 50k để có bỏ lợn.
Vì niềm vui trong chuyện bỏ lợn, em tớ cũng dần học được cách tiết kiệm trong chi tiêu. Nó thật sự tự hào với những đồng tiết kiệm bản thân đang có. Hồi năm 2021, tớ đi làm xa nhà, do dịch gay gắt quá nên không về thường xuyên được. Em toàn "dụ dỗ" tớ bỏ việc, sẽ đập lợn nuôi chị gái.
Tuy nhiên cũng giống như nhiều bạn trẻ tuổi teen, em gái tớ có niềm đam mê bất tận với việc mua quần áo. Đôi lúc sẽ chi tiêu quá tay, hay mua sắm những thứ thật sự "ngớ ngẩn" không dùng được do xem “tóp tóp” quá nhiều.
Cho dù vậy, ở tuổi 17, với sự hỗ trợ từ những người xung quanh, em gái tớ dần dần những hình thành những thói quen tốt về tiền bạc. Đi chậm chậm từng bước nhỏ nhưng chắc chắn, xây dựng nền tảng tài chính vững chắc, mong em sau này sống thoải mái.
- Biết tiết kiệm "bỏ lợn" từ khi còn bé
- Có thói quen tài chính tài chính tốt, đang dần hiểu về ý nghĩa của đồng tiền
- Thích mua sắm quần áo và những thứ "ngớ ngẩn"
Đây là những người phụ nữ quan trọng nhất đời tớ. Cảm ơn vì đã luôn che chở, yêu thương và dạy dỗ tớ nên người. Những bài học chi tiêu, thói quen tài chính đã được xây dựng từ những điều nhỏ nhặt ấy sẽ đồng hành cùng tớ suốt đời này.