1,8 tỉ USD cho sân bay Long Thành
Chiều 1-6, các ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV cùng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng cấp tín dụng trị giá 1,8 tỉ USD cho dự án thành phần 3 - cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (sân bay Long Thành).
Số vốn tài trợ này tương ứng 45% tổng mức đầu tư của dự án. Cụ thể, Vietcombank là ngân hàng đầu mối tài trợ 1 tỉ USD, VietinBank tài trợ 450 triệu USD, BIDV tài trợ 350 triệu USD.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - tổng giám đốc Vietcombank - cho biết đây là dự án có số tiền tài trợ vốn lớn nhất trong ngành ngân hàng. Đồng thời, đây cũng là dự án đầu tiên được thu xếp hoàn toàn bằng nguồn USD trung dài hạn từ các ngân hàng thương mại nhà nước với điều kiện cạnh tranh hơn so với vay vốn từ các định chế tài chính quốc tế.
Tinh thần nội lực
Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Đảng và Nhà nước ta xác định xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
Trong đó, việc tập trung phát triển hệ thống dự án hạ tầng giao thông chiến lược đường bộ cao tốc, đường sắt, cảng hàng không… là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Đánh giá cao việc phối hợp thu xếp vốn thành công vừa qua của Vietcombank, VietinBank và BIDV cho dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng tin tưởng đây sẽ là bước khởi đầu tích cực, tạo tiền đề quan trọng để khuyến khích các ngân hàng thương mại Việt Nam tiếp tục chủ động hợp tác trong các dự án lớn, quan trọng.
"Lần đầu tiên các ngân hàng thương mại nhà nước hợp danh lại cho vay dự án lớn với 1,8 tỉ USD, tương đương hơn 40.000 tỉ đồng. Điều này thể hiện tinh thần đi lên từ nội lực, tự lực tự cường của người Việt Nam" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, sân bay Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải, là công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như với sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam và kinh tế - xã hội đất nước ta trong những năm tới.
Sân bay Long Thành dự kiến sẽ đóng góp vào quy mô GDP Việt Nam năm 2030 khoảng 0,98%, tạo ra 200.000 việc làm và có ý nghĩa lan tỏa tới tổng thể kinh tế - xã hội Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ thông tin đang giao triển khai làm đề án sân bay Biên Hòa. Như vậy, sân bay Tân Sơn Nhất (mở rộng), sân bay Biên Hòa và sân bay Long Thành sẽ tạo thành cụm cảng hàng không hiện đại, trung tâm trung chuyển hàng không, logistics với tầm cỡ hàng đầu khu vực và quốc tế.
"Phát triển kinh tế hàng không ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Chúng ta có đủ năng lực, điều kiện để phát triển hệ thống này trong thời gian tới. Vấn đề là có tìm ra cơ chế, chính sách hợp lý, quyết tâm làm hay không. Phải quyết tâm với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi" - Thủ tướng chỉ đạo và lưu ý việc thu xếp 1,8 tỉ USD mới chỉ là kết quả bước đầu, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
Huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ACV, Bộ Giao thông vận tải… cần phát huy hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng hoàn thành các công trình, hạng mục của dự án, đáp ứng và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tập trung hơn nữa các nguồn lực phát triển các dự án hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, bến cảng, vừa góp phần tăng cường thu hút đầu tư, tạo năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.
Đồng thời, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… có cơ chế huy động mọi nguồn lực hợp pháp, đặc biệt là vốn trong dân… tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược.
Ông gợi ý cần rà soát, có cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ, thúc đẩy, khuyến khích các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cho vay vốn với điều kiện ưu đãi, phù hợp, đưa dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục mở rộng hình thức tài trợ cho vay vốn, phát huy vai trò của các ngân hàng thương mại, trong đó nòng cốt là ngân hàng thương mại nhà nước cho vay vốn đối với các dự án lớn, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần chủ động nguồn lực và thu xếp vốn trong nước, giảm phụ thuộc nguồn vốn bên ngoài.
Thủ tướng tin tưởng rằng sẽ hoàn thành thi công và khai thác kỹ thuật đường cất hạ cánh của sân bay Long Thành trước ngày 30-4 năm sau (vượt 3 tháng so với tiến độ hợp đồng); đến 6 tháng đầu năm 2026, hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác toàn bộ dự án này.
Phát biểu tại lễ ký kết, bà Nguyễn Thị Hồng - thống đốc Ngân hàng Nhà nước - lưu ý 1,8 tỉ USD là khoản tài trợ có quy mô rất lớn mà ba ngân hàng thương mại nhà nước thu xếp hoàn toàn bằng nguồn USD trung dài hạn trong nước.
Do vậy, Vietcombank, VietinBank và BIDV cần đảm bảo cân đối được nguồn vốn bằng ngoại tệ phù hợp với giá trị khoản vay và thời hạn vay, giải ngân theo hợp đồng và không tạo ra biến động về tỉ giá và thị trường ngoại tệ. Còn đối với chủ đầu tư, ACV cần sử dụng vốn đúng mục đích, an toàn và hiệu quả.