Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật các tổ chức tín dụng theo thẩm quyền và trách nhiệm đã được giao, hoàn thành trong tháng 6.
Việc chỉ đạo này nhằm xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, kịp thời triển khai ngay sau khi các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng được Quốc hội đồng ý cho phép có hiệu lực sớm (dự kiến từ ngày 1/8).
Việc ba bộ luật trên có hiệu lực sớm được các chuyên gia đánh giá là một bước đi quan trọng trong nỗ lực củng cố chất lượng thị trường bất động sản hiện đang đối mặt nhiều khó khăn.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), các quy định mới sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, “Nếu được “tiếp sức” bằng Quốc hội thông qua đối với Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản nỗ lực thực hiện chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030.
Theo ông Châu, năm 2023 cho thấy thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Dự báo, thị trường bất động sẽ tăng trưởng trở lại bình thường vào năm 2025 trở đi, do “độ trễ” của các chính sách.
“Nếu cho phép áp dụng sớm cũng như thông qua hai dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội cùng các văn bản hướng dẫn liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn thì sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý của 148 dự án bất động sản trên địa bàn TPHCM”, ông Châu kỳ vọng.
Nhận định mặt bằng về giá bất động sản trên thị trường trong thời gian tới, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, không phải khi 3 luật mới có hiệu lực thì thị trường bất động sản đang tăng sẽ giảm ngay được, mà muốn giá bất động sản trên thị trường không còn tăng nóng, trở về giá trị thực thì phải thực hiện tổng thể các giải pháp.
"Một trong những giải pháp để thị trường bất động sản phát triển một cách minh bạch là phải tổ chức thực hiện tốt 3 luật mới này. Nói cách khác, quy định chỉ nằm trên giấy, muốn phát huy được tác dụng phải qua khâu tổ chức thực hiện", ông Tuyến nói.
Theo ông Tuyến, nếu thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các quy định trong 3 luật này thì giá bất động sản sẽ giảm. Lý do xuất phát từ nhiều yếu tố như thị trường công khai, minh bạch, tăng chính sách, nguồn cung về bất động sản hàng hóa và các giao dịch trên thị trường thuận lợi hơn, giảm các tầng nấc chi phí trung gian...
Ông Tuyến cũng nhìn nhận, hiện tại giá bất động sản như chung cư ở Hà Nội đang tăng mạnh và vượt quá mức thu nhập của những người làm công, ăn lương.
"Tôi cho rằng, đây là mức giá "ảo" và có sự thổi giá của các bộ phận đầu cơ. Vậy nên, hy vọng những luật này sẽ nhanh chóng được đưa vào cuộc sống, thực thi một cách quyết liệt, có hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp khác", ông Tuyến chia sẻ thêm.