Lãnh đạo mảng trí tuệ nhân tạo của Đại học Stanford, Fei-Fei Li, đã âm thầm xây dựng một startup trị giá hàng tỷ USD chỉ trong 4 tháng. Động thái khiến cuộc đua khốc liệt trong ngành công nghệ nhằm mục tiêu thương mại hóa ngày càng trở nên khốc liệt.
Theo FT, Li, nhà khoa học máy tính được mệnh danh là “bà đỡ của AI”, đã thành lập một công ty có tên là World Labs vào tháng 4. Startup này đã huy động được 2 vòng gọi vốn và nhận được tiền từ các nhà đầu tư công nghệ hàng đầu như Andreessen Horowitz.
Trong vòng gọi vốn mới nhất, World Labs huy động được khoảng 100 triệu USD. Các nhà đầu tư định giá doanh nghiệp này ở mức hơn 1 tỷ USD.
World Labs là công ty khởi nghiệp AI mới nhất nhận được khoản đầu tư lớn sau khi OpenAI phát hành chatbot ChatGPT vào tháng 11 năm 2022. Sự bùng nổ thôi thúc các nhà đầu tư rót hơn 27 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp AI của Mỹ chỉ trong 3 tháng, theo PitchBook.
Được biết bà Li thành lập World Labs trong thời gian nghỉ phép 1 tuần, cam kết rằng công ty mình sẽ cố gắng tạo ra “trí thông minh không gian” trong AI bằng cách phát triển quá trình xử lý dữ liệu hình ảnh giống con người. Li đã có bài chia sẻ tại TEDTalk vào tháng 4 về lĩnh vực nghiên cứu này.
Bà Li nổi lên trong lĩnh vực AI thông qua việc phát triển thành công ImageNet, một tập dữ liệu hình ảnh lớn giúp cải thiện cách công nghệ thị giác máy tính xác định đối tượng. Li lãnh đạo AI tại Google Cloud từ năm 2017 đến năm 2018, là giám đốc hội đồng quản trị tại Twitter từ năm 2020 đến năm 2022, đồng thời là cố vấn lực lượng đặc nhiệm Nhà Trắng về AI.
Tầm nhìn của bà Li về trí thông minh không gian là vô cùng tham vọng: đào tạo một cỗ máy có khả năng hiểu được thế giới vật lý phức tạp và mối quan hệ giữa các vật thể. Theo FT, World Labs hiện đang phát triển một mô hình có thể hiểu được thế giới vật lý ba chiều.
Fei-Fei Li được đánh giá như một nhân vật quan trọng trong thế giới AI. Là giám đốc phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo và Thị giác máy tính tại Đại học Stanford, bà có công tạo ra ImageNet - cơ sở dữ liệu khổng lồ về hình ảnh được thiết kế để tăng tốc khả năng “nhìn” của AI. Sáng kiến này đang chứng minh sự hiệu quả của mình khi giúp thúc đẩy việc tạo ra các hệ thống học sâu, có thể nhận biết sự vật, động vật, con người và thậm chí toàn bộ khung cảnh trong hình ảnh.
Trước đó, vào năm 2017, bà Fei-Fei Li tham gia Google Cloud. Tại hội nghị Next Cloud của Google, người phụ nữ này từng dõng dạc chia sẻ về các ứng dụng hiện tại và thế hệ tiếp theo của trí tuệ nhân tạo (AI). Chúng khi đó được kỳ vọng sẽ tạo ra sự khác biệt trong cuộc cách mạng xe tự lái, chăm sóc sức khỏe, cũng như trong các bộ lọc của Snapchat và khả năng tìm kiếm của Google Photos.
“Chúng tôi đang bắt đầu chiếu ánh sáng tới các vật chất còn tối của vũ trụ kỹ thuật số”, bà Li nói.
Một năm sau, cũng trong buổi hội nghị Google Cloud, bà Fei Fei Li tiếp tục trình diễn một hệ thống AI mới có tên Google Contact Center AI – Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Liên tục của Google. Có thể thấy, thiếu bà Li, Google sẽ không có những thành tựu như hiện tại.
“Contact Center AI là ví dụ cho thấy ước mong mang AI đến mọi ngành công nghiệp của chúng tôi, bên cạnh việc đề cao giá trị tài năng con người”, bà Li nói với khán giả đến dự sự kiện. “Chúng tôi đang tạo ra một thứ công nghệ không chỉ mạnh mẽ mà còn đáng tin cậy”.
Hiện tại, trí tuệ nhân tạo đang thu hút được sự quan tâm của toàn ngành công nghệ và điều này khiến nhiều người có cảm giác nó dường chỉ như xu hướng 'nhất thời'. Tuy nhiên, bên trong các công ty như Google, Microsoft hay Amazon, điều đó chắc chắn không đúng. Các gã khổng lồ đều đang có ý định đẩy cuộc cách mạng này tiến sâu hơn vào phần còn lại của thế giới công nghệ.
Theo: Financial Times, WSJ