Bức tranh kinh doanh quý II của nhóm doanh nghiệp ngành điện kém khả quan. Thống kê trong 11 công ty đầu tiên công bố thông tin tài chính,có 9 đơn vị báo lãi giảm và một đơn vị thua lỗ.
Lợi nhuận nhiệt điện giảm
Theo BCTC quý II, doanh thu thuần CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND) tăng 3% lên 3.452 tỷ đồng nhờ sản lượng điện cao hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng của doanh thu chậm hơn giá vốn khiến lãi gộp giảm 17% xuống 322 tỷ đồng.
Trong kỳ, công ty đã nỗ lực cắt giảm nhiều chi phí nhưng lợi nhuận sau thuế của Nhiệt điện Hải Phòng vẫn giảm 17% so với quý II/2023 xuống 276 tỷ đồng.
Một công ty khác là CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (Mã: QTP) cũng báo kết quả không mấy khả quan. Công ty ghi nhận 3.628 tỷ đồng doanh thu giảm 2% so với cùng kỳ.
Nhiệt điện Quảng Ninh hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện.
Công ty đang sở hữu 2 nhà máy sản xuất điện là Quảng Ninh 1 và Quảng Ninh 2 với tổng công suất là 1.200 MW, cung cấp điện cho khu vực Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, với sản lượng điện sản xuất trung bình mỗi năm đạt mức 7,2 tỷ kWh/ năm.
Lợi nhuận gộp giảm 29% về 211 tỷ đồng do sản lượng điện bán và giá thị trường giảm. Cùng với đó là giá nhiên liệu than đầu vào có xu hướng tăng so với cùng kỳ.
Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế quý II của Nhiệt điện Quảng Ninh giảm 35% xuống 160 tỷ đồng.
Kết quả này cũng đi ngược lại dự báo của nhiều công ty chứng khoán như DSC, TPS về kỳ vọng Nhiệt điện Quảng Ninh sẽ có kết quả kinh doanh quý II tốt nhờ hưởng lợi từ mùa cao điểm nắng nóng và hiện tượng El Nino chưa kết thúc khiến sản lượng từ thuỷ điện vẫn ở mức thấp.
Dù có doanh thu tăng cao nhờ sản lượng điện bán tăng nhưng lợi nhuận của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) vẫn giảm. Trong quý II, công ty ghi nhận 2.469 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 77% so với cùng kỳ.
Kỳ này, doanh thu tài chính của công ty giảm 82% xuống gần 19 tỷ đồng do khoản cổ tức từ các đơn vị mà công ty góp vốn thấp hơn quý II/2023. Đây là nguyên nhân lớn khiến lãi sau thuế của công ty giảm 42% xuống 94 tỷ đồng.
Trong quý II, doanh thu CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (Mã: BTP) chỉ đạt 155 tỷ đồng giảm 76%, lợi nhuận sau thuế hơn 3 tỷ đồng giảm 89% so với cùng kỳ.
Theo công ty, nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh lao dốc là do nhu cầu phụ tải hệ thống, các tổ máy của công ty ít được huy động và chạy phát điện với mức tải thấp nên suất hao cao. Điều này dẫn đến việc sản lượng điện trong quý II bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Thuỷ điện trái chiều
Trong nhóm doanh nghiệp thuỷ điện công bố BCTC quý II chỉ có duy nhất một công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, còn lại là suy giảm, thậm chí là báo lỗ.
Bắc Minh được thành lập năm 2007, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng tại tỉnh Sơn La và tỉnh Cao Bằng.
Công ty hiện có 5 nhà máy thủy điện gồm Tà Cọ, Suối Sập, Nậm Công 3, Thoong Gót, Nà Tẩu.
Ngôi sao sáng của thuỷ điện kỳ này là CTCP Đầu tư Phát triển Bắc Minh (Mã: SBM) với doanh thu thuần đạt hơn 64 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Công ty lãi sau thuế 35 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ.
Theo giải trình của Bắc Minh, công ty có kết quả kinh doanh khả quan đến từ yếu tố thời tiết. Cụ thể, lượng mưa trong quý II năm nay cao hơn cùng kỳ, giúp sản lượng điện gia tăng.
Trái ngược với phía Bắc, hầu hết công ty thuỷ điện nằm ở các tỉnh miền Trung và miền Nam có lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của CTCP Đầu tư Điện lực 3 (Mã: PIC) giảm 75%, CTCP Thuỷ điện A Vương (Mã: AVC) giảm 82%, CTCP thủy điện Nước Trong (Mã: NTH) giảm 19%, CTCP Sông Ba (Mã: SBA) giảm 6%, CTCP Thủy điện Sông Vàng (Mã: SVH) giảm 50%.
Thậm chí, CTCP Thủy điện Sê San 4A (Mã: S4A) báo lỗ trong quý II gần 2 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 18 tỷ đồn
Theo Trung tâm Dự báo Khí hậu của Mỹ, hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục suy giảm về cường độ, sau đó sẽ chuyển sang trạng thái trung tính trong tháng 5, tháng 6 với xác xuất cao trên 70%. Pha La Nina dự báo sẽ bắt đầu từ 7 và diễn ra mạnh mẽ từ 8 với xác suất trên 70%.
Trong báo cáo mới đây về ngành điện, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, lộ trình thị trường điện cạnh tranh của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phát triển theo xu hướng bán trên thị trường cạnh tranh ngày càng nhiều, giảm tỷ lệ bán theo hợp đồng. Vì thế trong thời gian tới, thủy điện sẽ có lợi thế hơn so với nhiệt điện do giá vốn thấp hơn.
Tương tự, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng chỉ ra việc EVN hiện vẫn đang gặp khó khăn tài chính nên thủy điện sẽ được ưu tiên huy động do có giá rẻ nhất hệ thống. Tuy nhiên, thủy điện vẫn chịu tác động mạnh bởi thời tiết và diễn biến sát sao theo biến động thủy văn.