Ngồi mấy mùa Shark Tank, Shark Hưng đã giải ngân đồng nào?
Shark Tank Việt Nam vừa công bố bước vào mùa thứ 7 với 7 vị cá mập ngồi ghế hội đồng đầu tư.
Sau những cam kết rót vốn trăm tỷ trên truyền hình, dấu hỏi nhiều người đặt ra là các startup thực sự được rót bao nhiêu.
Ông Phạm Thanh Hưng – năm nay đại diện cho quỹ đầu tư Columbus Startup Venture Capital Partners – là vị Shark duy nhất ngồi ghế nóng xuyên suốt 7 mùa Shark Tank tại Việt Nam. Nhận được câu hỏi "Shark Hưng ngồi mấy mùa rồi, đã giải ngân được đồng nào chưa?", vị cá mập này cho biết "mùa nào cũng giải ngân".
Vị cá mập bất động sản tính toán mùa 1 ông rót vốn vào sữa hạt Ogami, startup thời trang Phleek.
Mùa 2, danh sách giải ngân có ShoeX, Mopo. "Mopo giải ngân cả triệu USD lận, và bây giờ là một startup đang gặp rất nhiều khó khăn", Shark Hưng tiết lộ trên một video đăng tải trên fanpage Shark Tank Việt Nam.
Mùa 3, ông cho biết đã giải ngân các startup Astra, Revex, và Luxstay. Trong đó, deal với Luxstay là giải ngân nhiều nhất. Ông thậm chí còn phải xin giấy phép đầu tư ở nước ngoài, chuyển tiền sang Singapore để đầu tư.
"Rồi mùa 4, mùa 5… Mùa 5 có giải ngân Jungle Boss. Mùa nào cũng có. Chắc chắn luôn. Mùa 6 này, là Aplus", Shark Hưng nói.
"Thi thoảng có nhìn thấy điều đó nhưng thôi, mình làm mình biết, trời biết, đất biết, mọi người biết cũng tốt mà chưa biết cũng không sao".
Video chia sẻ của Shark Hưng đăng tải trên Fanpage Shark Tank Việt Nam hồi cuối năm 2023. Theo cập nhật từ Ban tổ chức Shark Tank Việt Nam ngày 15/7, Aplus Home vẫn đang trong quá trình thẩm định.
Còn Jungle Boss, theo cập nhật, vẫn chưa thay đổi vốn điều lệ dù đã ký kết hợp tác đầu tư với Shark Hưng hồi tháng 11/2022.
Trong khi đó, mùa 4, thương vụ Cello Fundamento từng được công bố đã vượt qua thẩm định và được giải ngân hồi tháng 6/2022. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng sau, Shark Hưng cho biết sẽ không đầu tư 2 tỷ đồng vào Cello Fundamento như trên truyền hình, mà đổi sang hình thức tài trợ.
Vì đâu vốn thực rót sau sóng truyền hình thấp đến vậy?
Shark Tank góp mặt ở Việt Nam từ năm 2017, do Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) cùng công ty TV Hub phối hợp thực hiện. Trải qua 6 mùa phát sóng, Shark Tank đã giới thiệu 291 mô hình kinh doanh tới các nhà đầu tư (Shark) và có 174 thương vụ cam kết đầu tư trên truyền hình.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, sau khi tham gia Shark Tank Việt Nam, có hơn 60 startup đã được rót vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài chương trình.
Thực tế, không chỉ Shark Hưng, không phải cá mập nào tham gia Shark Tank cũng rót vốn. Ngồi ghế hội đồng đầu tư 5 mùa Shark Tank, Shark Linh chưa rót vốn đồng nào.
Tính riêng mùa 4, ngoài Shark Hưng và Shark Linh, còn có Shark Louis không tìm được startup để rót vốn.
Trong Shark Tank mùa 5, bên cạnh Shark Hưng, Shark Linh và Shark Louis, Shark Liên và Shark Phú cũng không ghi nhận deal thực rót nào.
Tại sự kiện công bố nhà đầu tư Shark Tank Việt Nam mùa 7 mới đây, câu hỏi được đặt ra cho hội đồng đầu tư là trong những dự án mà các Shark đã đến thảo luận, số dự án "quay xe" với các Shark chiếm bao nhiêu phần trăm, và bao nhiêu phần trăm là Shark "quay xe" với startup.
Shark Hưng cho biết tỷ lệ của ông là 2:4:4. "Tức là 20% số startup được giải ngân, tỷ lệ khá thấp. 40% là mình quay xe, 40% là họ quay xe", Shark Hưng cho biết.
Tỷ lệ giải ngân là câu chuyện được đặt ra thường trực sau mỗi mùa Shark Tank Việt Nam. Tại một sự kiện trước đó, Shark Hưng từng tiết lộ tỷ lệ đầu tư thực sau phát sóng chỉ ở mức 20 – 25%, tương tự các chương trình Shark Tank trên thế giới.
"Nếu tính số lượng startup đến được giai đoạn ký kết hợp đồng và được giải ngân thì tỷ lệ rơi vào khoảng 30%. Nếu xét theo số vốn được giải ngân thì tỷ lệ còn thấp hơn nữa, bởi nhiều startup dù được ký hợp đồng nhưng chỉ được giải ngân một phần", Shark Hưng từng chia sẻ trong một sự kiện Shark Tank mùa trước.
Lý giải cho tỷ lệ rót vốn thấp này, vị cá mập cho rằng nguyên nhân đến từ cả nhà đầu tư lẫn startup.
"Một là các startup không chứng minh được những cam kết hoặc số liệu đáng tin cậy như trên truyền hình. Chúng tôi cam kết đầu tư dựa vào những gì các bạn trình bày, nhưng khi đi sâu nghiên cứu, thẩm định thì mọi thứ không như vậy. Hoặc không đúng bản chất, hoặc sai lệch, nên cuối cùng hai bên không đạt được thỏa thuận".
"Ngoài ra, có những startup từ chối nhận đầu tư luôn. Đã có lần một số Shark phải nói rằng đừng làm thế, vì chúng tôi lên đây tranh giành mãi mới có một deal tốt mà cuối cùng lại cắt deal", Shark Hưng bày tỏ.