Ngày 24/11/2022, bà Đặng Huỳnh Ức My – Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (AgriS, Hose: SBT) đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu SBT. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức 100% khớp lệnh từ 29/11/2022 đến 28/12/2022. Tính đến thời điểm hiện tại, bà My đang nắm giữ 100.137.492 cổ phiếu SBT, tương đương 15,39% vốn cổ phần. Nếu thực hiện mua thành công toàn bộ 5 triệu cổ phiếu đã đăng ký, bà My sẽ tăng sở hữu tại SBT lên 105.137.492 cổ phiếu, tương ứng 16,15%.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2021-2022 của SBT diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, bà My cũng đã từng khẳng định: "Bản thân tôi sẽ cân nhắc tham gia thêm nữa vào cổ phiếu SBT thời gian tới" khi đề cập đến tình hình diễn biến giá cổ phiếu của SBT. Bà chia sẻ: "Thời gian qua thị trường chứng khoán biến động mạnh, áp lực chung cùng nhiều rào cản đã ảnh hưởng đến cổ phiếu SBT, giai đoạn sắp tới khi thị trường ổn định hơn thì chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn, các bạn sẽ gặt trái ngọt vượt ngoài mong đợi chứ không phải những kết quả thường thường vẫn có".
Trên thực tế, về hiệu suất đầu tư, trong bối cảnh thị trường còn nhiều bất ổn, nhưng hàng năm đơn vị nông nghiệp này vẫn luôn cố gắng duy trì kế hoạch chia cổ tức 5-7% tới cổ đông. SBT cũng đang phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp 4.0, vì vậy giá trị doanh nghiệp sẽ tăng theo đà phát triển của công ty.
Bà Đặng Huỳnh Ức My – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị AgriS phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2021-2022
Trước đó, bà Huỳnh Bích Ngọc – Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu SBT. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ 28/11/2022 đến 27/12/2022. Tính đến thời điểm hiện tại, bà Ngọc đang nắm giữ 69.724.473 cổ phiếu SBT, tương đương 10,71% vốn cổ phần. Nếu thực hiện mua thành công toàn bộ 2 triệu cổ phiếu đã đăng ký, bà Ngọc sẽ tăng sở hữu tại SBT lên 71.724.473 cổ phiếu, tương ứng 11,02%.
Ông Hoàng Mạnh Tiến – Thành viên độc lập Hội đồng quản trị cũng đồng thời đăng ký mua vào 800.000 cổ phiếu, giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức giao dịch thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh cũng từ 28/11/2022 đến 27/12/2022. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Tiến đang nắm giữ 1.575.000 cổ phiếu, tương ứng 0,24%. Nếu thực hiện mua thành công 800.000 cổ phiếu đã đăng ký, ông Tiến sẽ tăng sở hữu tại SBT lên 2.375.000 cổ phiếu, tương ứng 0,36%.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, việc hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của SBT liên tiếp đăng ký mua vào số lượng lớn cổ phiếu SBT được xem là một hành động cam kết đồng hành cùng cổ đông và sự quyết tâm gắn bó lâu dài của các thành viên Hội động quản trị, đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của công ty và chia sẻ thành quả với các bên liên quan.
AgriS cũng vừa công bố Báo cáo tài chính quý 1(1/7-30/9) với kết quả tích cực khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.309 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, hoàn thành 31% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 262 tỷ, tăng 34% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ của các kênh bán hàng khác cũng ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt kênh xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc khi sản lượng bán hàng tăng 80%, kênh công nghiệp B2B tăng 44% so với cùng kỳ. Đây là một dấu hiệu khởi sắc cho thấy nhu cầu tiêu thụ đường được cải thiện đáng kể trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
SBT - Chuyển đổi mô hình kinh doanh, khẳng định lợi thế cạnh tranh với thương hiệu AgriS
Cũng tại đại hội, bà My chia sẻ về việc AgriS (Hose: SBT) chính thức chuyển đổi mô hình kinh doanh từ công ty sản xuất nông nghiệp thuần túy sang mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp theo định hướng chuyển đổi toàn diện Mô hình quản trị từ thuần kỹ thuật sản xuất sang sản xuất - xuất nhập khẩu - thương mại dịch vụ nông nghiệp trên nền tảng phát triển đa quốc gia. Quá trình chuyển đổi mô hình quản trị lõi này của công ty sang chuỗi giá trị cao hơn, không chỉ cung cấp các sản phẩm chính từ đường mà mở rộng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng cao khác, sẽ nâng cấp cùng lúc quy mô và chất lượng quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế để làm nền tảng quyết định sức mạnh cạnh tranh của công ty trên thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.
AgriS tiến tới xây dựng một doanh nghiệp cung cấp giải pháp nông nghiệp toàn diện từ nông trường đến bàn ăn (farm to fork) và nhà máy sản xuất của khách hàng. AgriS xác định lấy hoạt động kinh doanh thương mại theo nhu cầu thị trường làm trọng tâm, đẩy mạnh hoạt động R&D trở thành doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng cao, thương mại tiêu dùng tích hợp, ví dụ như: phân khúc gia vị phục vụ nấu ăn, phân khúc sản phẩm dành cho bà nội trợ và trẻ em, phân khúc sản phẩm chế phẩm sinh học, ... Tất cả các chiến lược sẽ tạo điều kiện để AgriS hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ, định hướng thị trường, từ đó đón đầu mọi nhu cầu của khách hàng nội địa và quốc tế, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trở thành một doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị ngành nông nghiệp toàn cầu, nhằm mang lại lợi ích cho các bên liên quan.