"Chúng tôi phát hiện trong nhiều trường hợp sản phẩm của Apple được sửa chữa bằng bộ phận thay thế, ngay cả với các bộ phận gốc của cùng một kiểu máy bị trục trặc và không được phần mềm của chính Apple công nhận", Tổ chức môi trường Pháp HOP nói. Theo Reuters, các nhà hoạt động cũng nhấn mạnh chính sách của Apple ảnh hưởng đến khả năng sửa chữa hoặc làm mới một số sản phẩm, bao gồm cả iPhone.
HOP cho rằng Apple đang "series hóa" mọi bộ phận của điện thoại thông minh và liên kết các thành phần linh kiện thông qua chip và phần mềm. Vì vậy, người dùng không thể tự sửa mà không có sự cho phép của Apple. Tổ chức này cũng đưa ra ví dụ cụ thể một chiếc iPhone XR đã thay màn hình vẫn chạy tốt trên iOS 15 nhưng khi nâng cấp iOS 16 thì không thể sử dụng được.
"Những hành vi này không chỉ làm suy yếu quyền sửa chữa mà còn cả sự phát triển của điện thoại thông minh tân trang", đơn khiếu nại gần 60 trang của HOP viết.
Apple chưa phản hồi về sự việc.
Năm 2020, HOP từng kiện Apple tại Pháp vì cố tính làm chậm các mẫu iPhone cũ thông qua bản cập nhật phần mềm iOS. Apple khi đó thua kiện và bị phạt 26 triệu USD.
Đây không phải lần đầu Apple bị cáo buộc độc quyền sửa iPhone. Năm 2019, Ban Tư pháp Hạ viện Mỹ nói hãng cố tính thiết kế sản phẩm làm khó người dùng trong quá trình sửa chữa. Theo Motherboard, Apple nhiều lần phát hành bản cập nhật iOS vô hiệu hóa cảm ứng trên màn hình được bên thứ ba sửa chữa. Sau khi cập nhật, những người tự thay thế màn hình bị vỡ hoặc đến sửa ở bên ngoài đại lý ủy quyền của Apple đã báo cáo về tình trạng liệt cảm ứng. Một số cửa hàng buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ sửa iPhone và hoàn tiền cho khách.