Báo cáo mới cập nhật của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, giá thép phẳng quốc tế đã ngừng giảm; trong khi giá trong nước bắt đầu ghi nhận hồi phục.
Cụ thể, ở các thị trường nước ngoài, trong hai tháng trước đà giảm giá dường như đã chững lại. Chênh lệch giá HRC VN-Mỹ và VN-EU ổn định lần lượt ở mức 330-380 USD/tấn và 200-250 USD/tấn trong bốn tuần qua. Tuy nhiên, dấu hiệu cho thấy giá sẽ đi lên trở lại tương đối ít, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại chậm chạp và nỗi lo suy thoái ở các nước phương Tây.
Trong những tuần gần đây, việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu đã khiến giá điện ở châu Âu tăng vọt. Để đối phó với tình trạng trên, một số nhà máy thép trong khu vực đã cắt giảm một phần hoặc ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất. Các nhà máy cũng đang chào các mức giá bán cao hơn nhưng người mua vẫn duy trì trạng thái quan sát do nhu cầu tiêu dùng cuối cùng yếu. VDSC lo ngại rằng giá điện tăng vọt có thể tiếp tục làm giảm nhu cầu. Do đó, các nhà đầu tư không nên quá phấn khích trước một sự tăng giá do chi phí đẩy vào lúc này.
Tuy nhiên, lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU áp dụng từ tháng 12 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện trong khu vực. Với việc EU sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, VDSC cho rằng người mua thép EU sẽ cần tìm kiếm các nguồn thép rẻ hơn ở châu Á, bao gồm Việt Nam, khi nhu cầu ở EU phục hồi.
Tại thị trường trong nước, sau khi giảm liên tục trong bốn tháng qua, giá thép xây dựng của các nhà máy đã bắt đầu tăng vào tuần cuối cùng của tháng 8 trong khi HSG là nhà sản xuất tôn mạ đầu tiên nâng giá bán kể từ đầu tháng 9. Mặc dù mức tăng 150-200 đồng/kg không đáng kể so với mức giảm giá thời gian qua nhưng động thái này đã kích thích các nhà phân phối mua hàng trở lại. Các nhà sản xuất thép phẳng khác theo đó có thể sẽ có cùng diễn biến giá bán và tiêu thụ.
Tiêu thụ nội địa phục hồi từ tháng 9 nhưng mức độ cạnh tranh cao
Do yếu tố mùa vụ, tháng 7 và tháng 8 thường là mùa thấp điểm tiêu thụ thép nên càng tạo áp lực lên giá thép. Mặc dù tiêu thụ tôn mạ trong nước có thể được khuyến khích do giá tăng lên từ tháng 9, VDSC vẫn giữ quan điểm thận trọng về mức tăng giá và sản lượng của từng nhà sản xuất, do nhu cầu từ nước ngoài vẫn trầm lắng và các nhà sản xuất sẽ phải cạnh tranh để giải quyết lượng hàng tồn kho giá cao trong quý 2. Trước đó, nhiều nhà sản xuất tôn mạ đã tăng dự trữ HRC trong giai đoạn đầu cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine (tháng 3 và tháng 4 - khi giá thép tăng vọt), với dự báo rằng cuộc xung đột sẽ gây ra tình trạng thiếu thép và nguyên liệu sản xuất thép.
Áp lực sẽ dịu bớt cho các nhà sản xuất thép phẳng từ quý 4
Nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến giá HRC giảm và nhu cầu ở nước ngoài trầm lắng kể từ tháng 4 và tháng 5 năm nay. VDSC cho rằng sức tiêu thụ sẽ phụ thuộc rất lớn vào thị trường trong nước, ít nhất là đến cuối năm 2022. Việc cạnh tranh mạnh hơn trong một thị trường quy mô nhỏ sẽ hạn chế khả năng tăng giá bán, do đó hạn chế khả năng phục hồi biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép phẳng.
So với quý 2, lượng tiêu thụ trong tháng 7 và tháng 8 giảm kết hợp với tỷ suất lợi nhuận thấp hoặc âm có thể dẫn đến việc ghi nhận lỗ trong quý 3.
Song, các điều kiện thị trường tích cực được kỳ vọng sẽ được củng cố hơn trong quý 4, do đó giảm áp lực lên lợi nhuận.
VDSC lưu ý tới tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn của Nam Kim (NKG) từ khoản đầu tư nâng công suất lên gấp đôi từ năm 2027. Đối với Hoa Sơn (HSG) và SMC, báo cáo giữ quan điểm thận trọng hơn do triển vọng tăng trưởng của các công ty này trong những năm tới không rõ ràng.