Tài chính

Áp lực nợ xấu ngày càng lớn, ngân hàng tiếp tục tăng bộ đệm dự phòng

Khi áp lực nợ xấu gia tăng trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, tăng cường bộ đệm vốn. Theo thống kê từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, tổng mức trích lập dự phòng 9 tháng năm 2022 đã tăng 32% so với cuối năm trước đạt 187.379 tỷ đồng.

"Ông lớn" BIDV, quán quân về cho vay khách hàng đã tăng mức trích lập dự phòng gần gấp rưỡi sau 9 tháng đầu năm với 41.948 tỷ đồng. Hai Big4 ngân hàng khác là VietinBank và Vietcombank cũng ghi nhận tăng trưởng lần lượt 52% và 41% so với cuối năm trước. 

Còn trong nhómngân hàng tư nhân, Kienlongbank, LienVietPostBank và SHB là những ngân hàng có sự tăng trưởng về bộ đệm dự phòng mạnh nhất trong khi VPBank là ngân hàng có số dư dự phòng cao nhất đạt 12.254 tỷ đồng, tăng 27% so với cuối năm trước. 

Tại ABBank, theo văn bản giải trình kết quả kinh doanh quý III/2022, ngân hàng cho biết chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng từ việc trích lập bổ sung dự phòng để mua lại trái phiếu đặc biệt (VAMC), bên cạnh đó thay đổi cách ghi nhận chi phí dự phòng theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN.

Với mức trích lập dự phòng 9 tháng đầu năm tăng gần 20% so với cuối năm trước, đạt 963 tỷ đồng, ngân hàng cho biết việc tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp cho ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lí rủi ro trong thời gian tới.

Biến động dự phòng rủi ro các ngân hàng sau 9 tháng đầu năm 2022

 (Nguồn: Huyen Vi tổng hợp)

Có thể nhận thấy rằng xu hướng tăng dự phòng tại các ngân hàng vẫn chiếm chủ đạo, tuy nhiên, vẫn có một số ít ngân hàng hàng giảm dự phòng rủi ro như Sacombank (giảm 16%), ACB (giảm 5%), MSB (giảm 5%) và Bac A Bank (giảm 3%).

Các ngân hàng này đều là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp. Riêng tại Sacombank, việc dự phòng rủi ro giảm là do trong ba quý đầu năm, ngân hàng đã sử dụng một lượng lớn để xử lý các khoản nợ tồn đọng. Chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ tăng 130% so với cùng kỳ năm trước với hơn 5.500 tỷ đồng. Nợ xấu của Sacombank cũng giảm mạnh 33,7% còn 3.791 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1%. 

Bộ đệm dày giúp các ngân hàng đỡ lo hơn trước áp lực nợ xấu

Việc tăng cườngbộ đệm dự phòng đã giúp các ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng khiđứng trước nguy cơ tiềm ẩn về rủi ro nợ xấu, nhất là khi Thông tư 14 không còn hiệu lực từ cuối tháng 6. Khi chất lượng tài sản của các ngân hàng được cải thiện, vấn đề nợ xấu không phải quá đáng lo.

Trước đó các chuyên gia phân tích củaChứng khoán VNDirect cũng đã nhận định rằng rủi ro nợ xấu với từng ngân hàng là khác nhau. Với những nhà băng có bộ đệm vốn tốt vẫn có thể đảm bảo được chất lượng tài sản và duy trì tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng. 

“Chúng tôi cho rằng rủi ro nợ xấu gia tăng khi Thông tư 14 hết hiệu lực sẽ không đáng lo ngại, do chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được củng cố với bộ đệm dự phòng vững chắc và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao nhất từ trước tới nay. Tỷ lệ chi phí tín dụng bình quân đã giảm xuống mức trước đại dịch và áp lực trích lập dự phòng sẽ không còn do các ngân hàng phần lớn đã trích lập 100% cho các khoản vay tái cơ cấu của họ”, Chứng khoán VNDirect nhận định. 

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu các ngân hàng cuối quý III/2022

 

Bên cạnh đó, một số ngân hàng cho biết họ đã trích lập đầy đủ cho nợ tái cơ cấu trước kỳ hạn (2023). Trong 6 tháng đầu năm, dựa trên sự phục hồi tích cực của các khoản nợ tái cơ cấu, một số ngân hàng đã có thể hoàn nhập các khoản dự phòng đã trích lập cho nợ tái cơ cấu.

Nhiều ngân hàng hiện nay có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%. Vietcombank hiện là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống, trên 500%. Ngoài ra một số ngân hàng khác như BIDV, Techcombank, ACB, MB,... cũng đều có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%.

Theo Chứng khoán Agriseco, đa số ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao. Điều này sẽ giúp họ củng cố bộ đệm an toàn vốn khi các khoản nợ tái cơ cấu hoặc nợ có vấn đề chuyển nhóm nợ xấu, đồng thời tạo nguồn lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng trong tương lai.

“Rủi ro nợ xấu là hiện hữu và cần theo dõi. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh việc trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục cùng công tác quản trị rủi ro đang ngày càng được nâng cao trong hệ thống ngân hàng, khiến rủi ro nợ xấu chúng tôi cho rằng không quá lo ngại”, chuyên gia nhận định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm