Để xác minh, định giá một cách khách quan, minh bạch các tài sản, mặt hàng có giá trị, ngành nghề thẩm định giả là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Tài chính là công cụ để điều tiết sự phát triển nền kinh tế. Để xây dựng vững vàng huyết mạch này, các doanh nghiệp trong nước cần xây dựng cho mình những rào chắn bảo vệ an toàn. Thẩm định giá ra đời giải quyết bài toán thiết lập cán cân định giá tài sản. Chính vì vậy, ngành "thẩm định giá" đã chính thức được tách ra để đào tạo được các ứng viên đạt có chuyên môn cao, đáp ứng được các yêu cầu của ngành.
Ngành thẩm định giá là gì?
"Thẩm định giá" (Valuation hay Appraisement) là việc đánh giá hoặc đánh giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc thông lệ quốc tế. Cũng có thể hiểu đơn giản thẩm định giá là việc ước tính hay xác định giá trị của một tài sản, tại một thời điểm và một địa điểm nhất định.
Để làm được việc này, ngoài việc xem xét những đặc điểm riêng biệt của từng tài sản (hình dạng của thửa đất, kích thước của ngôi nhà…) còn phải xem xét các yếu tố rủi ro vô hình (rủi ro gắn với khả năng sinh lời tương lai…) và những yếu tố luật pháp (quyền sở hữu, giấy phép…) ảnh hưởng đến giá trị tài sản.
"Thẩm định giá" không phải là một quy trình mà là một nghề độc lập trong xã hội tương tự như nghề kế toán, kiểm toán. Thế giới có Ủy ban chuẩn mực thẩm định giá Quốc tế và tại các nước Đông Nam Á có Hiệp hội thẩm định giá ASEAN. Tại Việt Nam, đây là một nghề mới, là cơ hội để những người được đào tạo chuyên sâu có thể phát huy hết khả năng của bản thân.
Đòi hỏi tính kỷ luật tương đương với kiểm toán và luật sư
Thẩm định giá là một công việc rất cụ thể, đòi hỏi tính kiên trì và cẩn thận trong việc thu thập thông tin và xử lý số liệu. Đông thời, ở vị trí của một chuyên viên thẩm định giá, bạn phải tự tin vào khả năng và kết quả thẩm định của mình. Không những thế, vì là người cung cấp dịch vụ cho khách hàng nên chúng ta cũng cần năng động trong việc xử lý các mối quan hệ, các tình huống phát sinh.
Do tính chất đặc thù của nghề thẩm định giá, chuyên viên thẩm định giá cần đặt yếu tố kỷ luật lên hàng đầu. Chúng ta phải luôn trong tâm thế sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp và kết quả thẩm định giá; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và tính trung thực. Đồng thời, việc bảo mật các thông tin của đơn vị được thẩm định giá là yếu tố chữ tín của người hành nghề. .
Anh Trần Mạnh Trung (35 tuổi), đã làm chuyên viên thẩm định giá của một doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Thẩm định viên không được phép nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc các lợi ích nào khác từ tổ chức cá nhân có nhu cầu thẩm định giá ngoài mức giá dịch vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng thẩm định không đúng các điều khoản của hợp đồng thẩm định giá. Sự kỷ luật và tính trung thực là hai nguyên tắc vàng của nghề thẩm định giá".
Ngành nghề khao khát nhân lực bậc nhất
Thẩm định giá là một móc xích quan trọng trong kinh tế, đóng vai trò làm minh bạch thị trường, thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của thị trường.
Trong những năm vừa qua, ngành thẩm định giá đã có sự tăng trưởng cao, thậm chí có thể xem là "tăng trưởng nóng". Một số doanh nghiệp thẩm định giá đã có được thương hiệu, uy tín trên thị trường và có lượng khách hàng ổn định. Theo Cục Quản lý giá, hiện có 279 doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động từ ngày 1/1/2022 và 1.460 thẩm định viên về giá được phép hành nghề kể từ ngày 1/1/2022.
Chính vì vậy, thẩm định giá là một trong những ngành khao khát nhân lực bậc nhất hiện này. Tốt nghiệp ngành thẩm định giá, các cử nhân có nhiều cơ hội lựa chọn môi trường làm việc đa dạng:
- Cơ quan có chức năng thẩm định giá tài sản, hàng hóa thuộc các bộ, ngành kinh tế như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên - Môi trường... Các sở, phòng tài chính, phòng địa chính của các địa phương.
- Các văn phòng luật sư về sở hữu trí tuệ, phòng kiểm định chất lượng, phòng đăng kiểm...
- Các công ty bảo hiểm, xuất nhập khẩu, xây dựng, tư vấn tài chính và kinh doanh bất động sản, công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, …
Mức thu nhập luôn xứng đáng
Vì đặc thù công việc yêu cầu kiến thức chuyên ngành, khả năng xử lý tình huống tốt cùng lập trường vững vàng, am hiểu thị trường nên mức lương của lao động ngành này luôn thuộc top cao nhất. Cơ hội thăng tiến và mức lương phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và năng lực thực sự của mỗi người.
Mức lương của một thẩm định viên nói chung, không phân biệt môi trường làm việc, trung bình là 11 triệu đồng/tháng. Mức lương thấp nhất với vị trí thẩm định viên là 9 triệu/tháng, cao nhất là 50 triệu/tháng.
Với một sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm và chứng chỉ thẩm định viên, mức lương kèm theo quá trình đào tạo là 7 – 9 triệu/tháng. Với những nhân lực có từ 2 – 4 năm kinh nghiệm, mức lương có thể được thỏa thuận từ 12 – 22 triệu đồng/tháng. Một số rất ít những thẩm định viên có kinh nghiệm lâu năm, cũng như làm việc tại vị trí cấp cao sẽ có mức lương đạt tới 50 triệu đồng/tháng.
Theo học ngành thẩm định giá ở đâu?
Tuy là ngành học khá mới ở Việt Nam nhưng nhu cầu về thẩm định giá của thị trường đã có từ lâu. Vậy nên, có rất nhiều các khoá học về ngành nghề này. Tuy nhiên, để được đào tạo chuyên sâu và bài bản, các sĩ tử có thể lựa chọn những trường đại học hàng đầu cả nước như:
Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ngành Marketing – chuyên ngành Thẩm định giá).
Học viện tài chính (ngành Tài chính Ngân hàng – chuyên ngành Thẩm định giá và Kinh doanh Bất động sản).
Trường Đại học UEH (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) (ngành Kinh tế đầu tư – chuyên ngành Thẩm định giá và Quản trị tài sản).
Trường Đại học Tài Chính-Marketing. (ngành Tài chính Ngân hàng – chuyên ngành Thẩm định giá).