ÁP LỰC TÀI CHÍNH LÀ NGUYÊN NHÂN GÂY STRESS HÀNG ĐẦU CHO LAO ĐỘNG
Nền kinh tế Việt Nam đã có những phục hồi đáng kể sau 2 năm bị ‘vùi dập’ bởi Covid-19. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát và sự down-trend của ngành bất động sản, đã tác động xấu khiến tâm lý người lao động Việt Nam đang trở nên rối bời hơn bao giờ hết.
Theo bà Thanh Nguyễn - Giám đốc điều hành và Truyền cảm hứng Hạnh phúc Anphabe , một khảo sát phục vụ cho Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022, cho thấy: 42% trong gần 60.000 người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất STRESS từ Thường xuyên tới Rất thường xuyên.
Khảo sát về tình trạng ‘Nghỉ Việc Ồ Ạt’ năm ngoái hé lộ một trong những nguyên nhân chính khiến người đi làm muốn bỏ việc chính là tình trạng “Burn-out – áp lực quá sức dẫn tới kiệt quệ cả thể chất và tinh thần”. Có thể thấy nhóm Quản lý cấp trung, nhóm thâm niên từ 2-5 năm tại một công ty đang thấy áp lực nhất.
Về ngành nghề: Ngành Sản xuất/Vật liệu xây dựng và Ngân hàng là 2 ngành có lượng nhân viên stress đông nhất, tiếp theo là các ngành Sản xuất/Hóa chất, Dược/Chăm sóc sức khỏe và Xây dựng/Kiến trúc. Cũng theo chị thanh Nguyễn: Rất dễ hiểu là những anh chị em tuyến đầu ngành Y tế như Bác sỹ/Dược sỹ/Y tá có tỷ lệ stress rất cao.
Theo phòng ban: stress nhiều nhất là phòng Quản lý chất lượng QA/QC – cứ 2 người sẽ có 1 người Stress Thường xuyên tới Rất thường xuyên; sau đó chính là nhóm Ban Lãnh đạo, quản lý chiến lược. Ngoài ra, còn có thể kể thêm nhóm nhân viên Bán hàng và Chăm sóc khách hàng.
Người đi làm bị áp lực bởi nhiều nguyên nhân đa dạng, trong đó 8 nguyên nhân gây stress nhiều nhất trải đều cả 4 nhóm như sau. Đầu tiên là Tài chính - Gia đình : Áp lực tài chính bởi có quá nhiều thứ phải lo cho gia đình hoặc mệt mỏi hậu Covid-19. Thứ hai, Tính chất công việc : lương thưởng thấp, công việc nhiều & thời hạn gấp gáp.
Thứ ba, Môi trường - điều kiện làm việc : quy trình làm việc phức tạp, không rõ ràng; văn hóa nơi làm việc thiếu công bằng và sự tôn trọng, khiến người đi làm mệt mỏi. Cuối cùng, Quan hệ công sở : thiếu ghi nhận thành tích đạt được và phân công công việc thiếu rõ ràng, minh bạch.
“ Đáng lưu ý là trong giai đoạn này, cho dù làm ở ngành nào, cấp độ nào thì hai mối bận tâm hàng đầu khiến các ‘người lao động - nhạc công’ của chúng ta dễ phân tâm đều xoanh quanh ‘áp lực tài chính, phải lo nhiều thứ’ và ‘công việc nhiều, thời hạn gấp gáp’.
Ngoài 2 lý do chính này thì nhóm nhân viên cũng dễ hoang mang khi ‘thiếu định hướng nghề nghiệp’, còn nhân sự cấp trung thường có áp lực thêm vì ‘quy trình làm việc phức tạp, thiếu rõ ràng’ còn quản lý cấp cao thì hay mệt mỏi do ‘phải thích ứng với quá nhiều thay đổi trong tổ chức ’”, CEO Anphabe nhận định.
Vậy vì sao Tài Chính lại là nguyên nhân gây stress hàng đầu hiện nay khi mà trong năm vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực cải thiện thu nhập cho nhân viên?
Phải thừa nhận là cùng với ảnh hưởng tâm lý do đại dịch, hai năm qua ở Việt Nam và thế giới có quá nhiều bất ổn về kinh tế vĩ mô khiến chúng ta phải hoang mang, lo lắng. Tất cả đều góp phần đào sâu thêm cảm giác bất an của người đi làm khi nhìn về tương lai, nhất là bất an về tài chính.
Khảo sát về Sức khỏe tài chính do PwC thực hiện trên toàn cầu cũng khẳng định xu hướng tương tự với số lượng người đi làm bị stress về tài chính năm 2022 tăng cao đáng kể, hơn hẳn các năm trước. Khi Tiền Bạc - mối quan tâm thường xuyên hóa thành nỗi lo lớn trong tâm trí thì chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng xấu đến tâm lý.
Khảo sát của PwC cũng khẳng định: tỷ lệ nhân viên bị áp lực tài chính thừa nhận rằng họ bị xao lãng, khó tập trung vào công việc cao gấp 7 lần so với nhóm không thấy bị áp lực tài chính.
STRESS CHÍNH LÀ “SÁT THỦ VÔ HÌNH” GIẾT CHẾT ĐỘNG LỰC VÀ GẮN KẾT NHÂN VIÊN
Bên cạnh đó, khảo sát 5 nhóm nhân viên với tần suất stress tăng từ mức Hiếm khi tới Đôi khi tới Thỉnh thoảng, Thường xuyên và Rất thường xuyên. Ba đường line phía trên thể hiện % những người trong từng nhóm có độ Gắn kết cao về Tình cảm, về Lý trí và có Động lực tự thân cao. Có thể thấy các chỉ số này tỷ lệ nghịch rất rõ ràng với tần suất Stress mà một người gặp phải.
Và cũng chính vì thế, nhóm có tần suất Stress càng cao thì Nỗ Lực Tự Nguyện cống hiến cho công việc và Cam Kết Gắn Bó với công ty càng suy giảm đáng kể. Cụ thể, theo khảo sát của Anphabe: thì trong nhóm nhân viên đang dự tính nghỉ việc trong vòng 06 tháng tới, tỷ lệ nhân viên stress từ Thường xuyên tới Rất thường xuyên CAO GẤP 250% so với nhóm thỉnh thoảng mới bị Stress.
Về xu hướng “Quiet Quitting” – tạm dịch là Nghỉ việc trong yên lặng: chỉ làm vừa đủ, chính xác những gì được giao, không hơn không kém; nôm na, đúng giờ về là ngắt liên lạc luôn, không để công việc ‘lấn sân’ sang các thú vui cuộc sống khác. Tình trạng Quiet Quitting này rất liên quan tới trạng thái Stress liên tục dẫn tới Burn-out của người đi làm. Thay vì mệt mỏi quá nghỉ làm, nhưng vì cơ hội tốt bây giờ đâu dễ kiếm nên cứ đi làm mà làm vừa vừa thôi.
Thực tế là giới trẻ bây giờ cùng nhiều người đi làm sau Covid đã và đang thay đổi góc nhìn về tầm quan trọng của công việc so với nhiều ưu tiên khác trong cuộc sống. Khi họ nghĩ rằng, công việc không còn là tất cả, họ sẽ vạch ra ranh giới rõ ràng cho công việc, tìm cách để nói KHÔNG, để PHẢN KHÁNG lại tình trạng Burn-out quá tải, căng thẳng quá mức trong công việc.
“ Nên dù muốn hay không, các lãnh đạo và quản lý nhân sự thực sự phải lưu ý đến xu hướng này và phải bắt đầu tư duy về giải pháp. Như vừa chia sẻ, 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Stress sẽ bắt nguồn từ áp lực tiền bạc và áp lực công việc. Và giải pháp thì không thể chỉ là cứ tăng lương lên và giảm việc xuống... vì nó có giới hạn nhất định và không bền vững.
Như xu hướng chung trên thế giới, khi tình trạng Burn-out và Quiet Quiting đang là vấn nạn hàng đầu với người đi làm thì điều căn bản nhất mà mọi ‘lãnh đạo - nhạc trưởng’ nên làm cho dàn nhạc của mình là chăm lo cho AN SINH - WELL BEING của dàn nhạc công. Từ khóa AN SINH cho nhân viên vì thế hiện đang trở thành trở nên ‘rất nóng’ trên các bàn nghị sự ”, bà Thanh Nguyễn khẳng định.
Theo khảo sát toàn cầu từ Mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, đối tác chiến lược của Anphabe, so với 2019, các bài viết từ các doanh nghiệp chia sẻ về An Sinh trên nền tảng này đã gia tăng 73%. Và các đăng tuyển có đề cập tới Well-being được chia sẻ nhiều hơn tới 147%, chứng minh xu hướng gia tăng của chiến lược này cũng như sự đón nhận của người đi làm.
Tuy vậy ở Việt Nam, vấn đề AN SINH cho nhân viên dù đã được quan tâm hơn, nhất là trong và sau Covid-19, nhưng chưa hẳn được coi là 1 chiến lược quan trọng. Khảo sát của Anphabe với gần 100 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam - đại diện các ngành nghề chính cho thấy: mới có 15% doanh nghiệp chọn An sinh cho nhân viên là ưu tiên chiến lược và chỉ đứng thứ 9 sau rất nhiều ưu tiên khác.
Và An Sinh ngày nay không đơn giản là cung cấp vài phúc lợi nho nhỏ như đặt thêm bàn tennis trong văn phòng hay cung cấp snack miễn phí, mà nên được coi như một chiến lược chăm sóc nhân viên cực kỳ quan trọng, là sợi chỉ đỏ định hướng cho rất nhiều chính sách và hoạt động nhân sự đa dạng tại doanh nghiệp.
PHƯƠNG PHÁP AN SINH CẤP TIẾN
Theo đó, khi người nhân viên khi đi làm mang theo nhiều mối quan tâm trong cuộc sống tới công sở, nên cách tiếp cận Wellbeing tiên tiến, hiệu quả nhất hiện nay đó là “Whole person Well-being” – AN SINH TOÀN DIỆN. An sinh toàn diện tức DN phải quan tâm và chăm lo toàn diện các yếu tố ảnh hưởng tới sự thoải mái, hiệu quả và hạnh phúc của nhân viên dưới góc độ ‘con người trọn vẹn’ chứ không chỉ đơn thuần chỉ là ‘con người khi đi làm’.
Cách tiếp cận An sinh toàn diện sẽ bao gồm: Sức khỏe Thể Chất, Sức khỏe Cảm Xúc, Sức khỏe Tinh Thần, Sức khỏe Tài Chính và Sức khỏe Sự Nghiệp. Theo phương pháp này, vai trò của doanh nghiệp sẽ phải thay đổi theo.
Chăm lo Sức khỏe thể chất: tạo ra các hoạt động khác nhau để giữ cho nhân viên an toàn về mặt thể chất, mạnh khỏe và tràn đầy năng lượng. Chăm lo Sức khỏe cảm xúc: Giúp nhân viên trải nghiệm và thể hiện những cảm xúc cũng như kết nối tích cực trong cả công việc - cuộc sống.
Chăm lo Sức khỏe tinh thần: DN cần tập trung thúc đẩy sức mạnh tâm lý của nhân viên để họ ra quyết định sáng suốt, đối phó với căng thẳng và nhận ra những ý nghĩa sâu sắc. Chăm lo Sức khỏe tài chính : thúc đẩy cảm giác an toàn, an tâm, đầy đủ về tài chính để đáp ứng các nhu cầu quan trọng và tận hưởng cuộc sống. Chăm lo Sức khỏe nghề nghiệp : giúp nhân viên yêu thích công việc và có động lực để đạt được mục tiêu trong công việc.
“ Sau cùng, có rất nhiều phương thức chăm lo AN SINH TOÀN DIỆN thiết thực cho nhân viên. Dù lựa chọn chiến lược nào thì cũng nên tập trung giá trị tinh thần là sự quan tâm. Nếu nhân viên cảm thấy được QUAN TÂM, dù là về thể chất, cảm xúc, tinh thần hay tài chính thì khả năng họ hạnh phúc hơn và giới thiệu công ty đến bạn bè sẽ gia tăng đáng kể.
‘Hãy chăm lo thật tốt cho nhân viên và họ sẽ là người chăm lo tốt cho doanh nghiệp của chúng ta’. Bản thân các lãnh đạo Việt Nam cũng nên có ý thức chăm sóc Sức khỏe Thể Chất và Cảm Xúc cho nhân viên, tránh tạo thêm những áp lực không cần thiết, đơn giản bằng cách không email công việc vào ban đêm và sáng sớm, không kỳ vọng nhân viên phản hồi ngay ...
Bởi sau những giờ làm việc mệt mỏi, nhân viên chỉ muốn có được những giây phút nghỉ ngơi trọn vẹn cùng gia đình, bạn bè và được tự do làm điều mình thích. Tất cả những điều này sẽ góp phần tái tạo năng lượng cho họ tiếp tục những ngày làm việc tiếp theo ”, bà Thanh Nguyễn kết luận.