Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trước Quốc hội sáng 8/6, Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội nêu vấn đề về lạm phát tăng nhanh, nước ta nhập khẩu nhiều, giá xăng tăng cao, việc giải ngân gói hỗ trợ cũng sẽ gây áp lực lạm phát. Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề này?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, lạm phát tăng cao sẽ gây mất đảm bảo về an sinh xã hội, không đảm bảo kế hoạch phát triển và sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân. Do đó, phải tập trung chống lạm phát.
Hiện nay, Mỹ đã lạm phát 8,3%, châu Âu 8%, Singapore 5,4%. Hàn Quốc là 4,8%, Thái Lan 4,6% mà Việt Nam chỉ số CPI vẫn giữ ổn định ở mức 2,25%, thấp hơn chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho là 4,5%.
Việt Nam là nền kinh tế mở, những nguyên vật liệu không sản xuất được trong nước thì đều nhập khẩu, hiện giá nguyên vật liệu thế giới đang tăng lên kéo theo giá cả tại thị trường trong nước cũng tăng như mặt hàng xăng dầu, thép, phân bón,...
Mặc dù vậy, Việt Nam có thế mạnh là tự chủ được lương thực, thực phẩm mà nhóm hàng này chiếm tới 40% rổ hàng hoá. Do đó, áp lực lạm phát đối với nhóm hàng hoá này Việt Nam ít bị ảnh hưởng.
"Đây cũng là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá, nếu chúng ta tận dụng được. Áp lực lạm phát là rất lớn nhưng có độ trễ và Việt Nam tự chủ được tiêu dùng trong nước", Bộ trưởng nói.
Về giải pháp cho vấn đề lạm phát tăng cao, Bộ trưởng cho biết, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung; tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược.
"Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng |
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, đây là vấn đề toàn cầu, nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất lớn, sản xuất trong nước thì phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu từ nước ngoài, nên cũng chịu áp lực của lạm phát.
Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này, trong những tháng đầu năm, lạm phát của nước ta vẫn đang ở mức kiểm soát được, mức tăng giá liên quan đến giá hàng hóa thế giới.
Dù vậy, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong thời gian tới chính sách tiền tệ cũng sẽ phải theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ cũng như là tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn, đặc biệt cần kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thông qua Ban chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phân tích sát những diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra những kết hợp chính sách phù hợp.