Theo nhận định của Ngân hàng HSBC trong báo cáo mới đây, áp lực lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN.
Cụ thể, lạm phát toàn phần chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, kéo theo mức tăng so với cùng kỳ năm trước cũng khiêm tốn ở mức 2,6%, vẫn nằm trong mức kỳ vọng của thị trường.
Lý giải về điều này HSBC cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là nhờ chi phí vận tải thấp, một phần do giá dầu thế giới giảm trong tháng 4, một phần do Việt Nam hạ thuế bảo vệ môi trường. Kể từ 1/4, mức thuế bảo vệ môi trường, chiếm phần lớn nhất trong các loại thuế và phí với nhiên liệu, đã cắt còn 2.000 đồng đối với xăng và 700-1.000 đồng đối với các mặt hàng nhiên liệu khác.
Trong khi đó, chi phí thực phẩm cũng giảm 0,1% so với tháng trước, cho thấy giá nông sản nội địa ổn định so với các nước khác trong khu vực vốn đang phải đối mặt với tình trạng giá thực phẩm cao hơn.
Theo các chuyên gia HSBC, các mặt hàng cốt lõi là nguyên nhân chính. Giá đã tăng trên diện rộng ở một số hạng mục chính như giáo dục, dịch vụ và bán lẻ. Cụ thể, chi phí “nhà ở và vật liệu xây dựng” tăng 0,6% so với tháng trước, cho thấy chi phí tiện ích và thuê cao hơn khi công nhân ở tỉnh tiếp tục trở lại các thành phố.
Nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa thế giới có xu hướng tiếp tục tăng, HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7% trong năm 2022. Áp lực giá nhiều khả năng vẫn sẽ nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, kể từ khi chính thức mở cửa biên giới từ 15/3, Việt Nam đã sớm hưởng lợi nhờ du lịch trở lại. Việt Nam đón hơn 100.000 khách du lịch trong tháng 4, cao gấp ba lần so với tháng 3.
Theo dữ liệu Destination Insights của Google, Việt Nam cùng với Philippines là hai đại diện duy nhất của châu Á lọt vào top 10 nước có nhu cầu du lịch tăng trưởng cao nhất trong tháng 4. Du khách từ châu Âu (19%), Hàn Quốc (14%) và Mỹ (13%) chiếm một nửa tổng số khách du lịch đến Việt Nam.
Mặc dù đây là một bước tiến tích cực, chặng đường phục hồi phía trước còn dài. Hiển nhiên, việc thiếu vắng du khách Trung Quốc, từng chiếm tới 30% tổng khách du lịch đến Việt Nam vào năm 2019, là vấn đề tất yếu ở đây.
Trong khi đó, sự cạnh tranh ở khu vực ASEAN lại quá khốc liệt. Sau khi cả khu vực mở cửa trên diện rộng, các nước như Singapore và Thái Lan đã quyết tâm giảm nhẹ thủ tục đi lại, du lịch bằng cách miễn hẳn yêu cầu xét nghiệm.
Ngoài du lịch, nhu cầu nội địa cũng ở thế vững vàng nhờ chính quyền gỡ bỏ bớt các hạn chế phòng chống dịch trong nước. Sau một đợt giảm nhẹ trong quý 1/2022, khả năng đi lại của người dân cuối cùng cũng đã vượt mức trước đại dịch kể từ đầu tháng 4. Sự cải thiện này rõ ràng đã góp phần phục hồi ngành bán lẻ, giúp ngành này tăng 5,8% trong tháng 4.