Chủ tịch Quốc hội gọi tên một số phiên giao dịch thời gian qua là "sáng mưa, chiều nắng", "bất thường, không ngày nào ổn định".
Thị trường bất ổn cũng là lúc các vấn đề được phơi bày rõ nhất, và có lẽ câu chuyện fair play giữa các chủ thể tham gia thị trường cũng cần được đặt ra khi mà các nhà đầu tư cá nhân cho rằng họ đang chịu muôn vàn cách đối xử tệ.
F0, nhỏ lẻ là cỏ rác?
Số tài khoản mở mới liên tục tăng và dòng tiền đổ vào đã góp phần đáng kể làm thị trường sôi động hẳn thời gian vừa qua. Các cá nhân bỏ tiền mua cổ phiếu để nắm giữ lâu dài (hay thường gọi là đầu tư hoặc đầu tư dài hạn) hoặc mua đi bán lại để kiếm lời (đầu tư ngắn hạn hay còn bị gọi là đầu cơ) đều là nhu cầu chính đáng.
Đa phần cá nhân thì không nhiều tiền bằng tổ chức, nhưng “gom” lại cũng đáng kể. Sự tồn tại của hàng triệu tài khoản, mỗi tài khoản chỉ vài chục triệu đồng của sinh viên hay cụ hưu trí, đều là những thực thể cần luật chơi công bằng của thị trường.
Vì không nhiều tiền nên các nhà đầu tư, nhất là người mới, còn gọi là F0, thường mua cổ phiếu có thị giá thấp. Các cổ phiếu này được gọi là “cổ phiếu trà đá” hay penny nghe còn hay, nhưng có lãnh đạo công ty chứng khoán lên facebook cá nhân gọi chúng là “cổ phiếu rác”.
Trong số “cổ phiếu rác” này, thời gian qua không ít mã tăng bằng lần trong khi doanh nghiệp thì làm ăn thua lỗ. Vấn đề này lại được đặt ra giữa lúc dầu sôi lửa bỏng của các vụ bắt bớ: Vì sao doanh nghiệp thua lỗ mà giá cổ phiếu lại tăng nhiều lần? F0, vốn chưa nhiều kiến thức, đang buồn và sợ thì nay phát hoảng.
Có vô số lý do giải thích vì sao doanh nghiệp làm ăn thua lỗ mà cổ phiếu tăng. Lỗ là chuyện quá khứ, giờ doanh nghiệp có kế hoạch thoát lỗ thì cổ phiếu tăng là bình thường. Đang lỗ nhưng có người đưa cho đống tiền (ngân hàng cho vay hoặc nhà đầu tư góp thêm vốn chẳng hạn) để “làm lại cuộc đời” thì nhà đầu tư có thể kỳ vọng doanh nghiệp sẽ có một tương lai sáng lạn hơn.
Hoặc đang lỗ nhưng mới ký được hợp đồng bán hàng lớn, hứa hẹn mang về doanh thu và lợi nhuận đáng kể, hoặc giá sản phẩm đang tăng một cách khả quan, hoặc giá tài sản (công ty con, đất đai sở hữu…) tăng và doanh nghiệp dự kiến tìm đối tác để chuyển nhượng… Cũng có thể việc tăng bằng lần là kết quả của “lái”, nhưng nhìn chung, hiện tượng “tăng bằng lần” không nhất thiết được dán nhãn là bất thường.
Vẫn là F0 và nhỏ lẻ, do tiền không nhiều nên khối lượng mua cũng thường không lớn. Vì vậy, khi được nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc khi được chia cổ phiếu thì số cổ phiếu nhận được bị lẻ ra. Đâu phải công ty chứng khoán nào cũng mua cổ phiếu lẻ, trong khi sàn TP HCM (HOSE) thì không cho giao dịch lô 10 cổ phiếu với lý do hệ thống quá tải.
Cần nói thêm mãi từ đầu tháng 1 năm ngoái đến nay việc đưa lô 10 giao dịch trở lại vẫn chỉ nghe nói, thậm chí Bộ Tài chính cũng đã gửi công văn hỏa tốc đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) về việc rà soát các biện pháp chống nghẽn lệnh đã áp dụng và sớm đưa lô 10 vào giao dịch trở lại. Nhưng đến nay việc này vẫn chưa có kết quả, không nhanh chóng và quyết liệt như khi bỏ lô 10 áp dụng lô 100.
Nhiều chủ doanh nghiệp cũng không coi cổ đông cá nhân của mình ra gì, hở ra là “úp sọt”, “úp bô”. Trường hợp Trịnh Văn Quyết của FLC vừa rồi là một ví dụ. Nên nhớ rằng nhà đầu tư cá nhân mua cổ phiếu không phải là FLC mà thuộc hệ sinh thái của FLC như ROS, ART, AMD, KLF, HAI đều bị ảnh hưởng thảm hại như nhau. Thậm chí cổ phiếu không nằm trong hệ sinh thái này cũng cắm đầu “lau sàn”.
Tham gia thị trường trong bối cảnh này, F0 như những đứa con rơi lặng lẽ.
Vì sao F0, nhỏ lẻ dễ “bầy đàn”?
Những người tham gia thị trường lâu năm có thể có kiến thức, còn F0 nhiều khi chưa phân biệt được chia cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu. Nhiều F0 thậm chí còn không biết ATC và ATO là gì, thị trường mở cửa từ mấy giờ đến mấy giờ, dư mua, dư bán là gì…
Ngoài ra, đa phần cá nhân không phải là lãnh đạo doanh nghiệp hay “người nhà” (người có liên quan) của những người này là “vô danh tiểu tốt” nên nói chẳng ai nghe. Họ tham gia hết room này đến diễn đàn kia để chia sẻ thông tin. Các hành động mua, bán của họ vì thế bị cho là “bầy đàn”.
Họ chia sẻ nhau bất cứ tin gì nghe được, và nhiều khi cả những tin đồn chưa được kiểm chứng. Những lần như thế, tất cả các thành phần khác trên thị trường đều chĩa mũi dùi chê trách họ.
Tuy nhiên, đa phần F0 và nhỏ lẻ không biết làm thế nào để kiểm chứng thông tin, cũng không biết cách sàng lọc tin tức khi mà nhiều tin đồn bị cho là thất thiệt thì sau đó lại đúng.
Lãnh đạo doanh nghiệp và những người làm việc tại các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… thường có chỗ để nói và nói thì có người nghe, nên họ cũng thường hay nói. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ giờ khá dè chừng những người này vì sợ bị “lùa gà”.
Vừa rồi có công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu ABC nào đó trong khi công ty chứng khoán đó lại bán ra chính cổ phiếu khuyến nghị. Tiếc là thông tin về tự doanh của các công ty chứng khoán vừa qua đã bị dừng cung cấp cho thị trường.
Cũng có trường hợp, các chuyên gia nhận định cổ phiếu thuỷ sản, cảng biển và logistics… là có triển vọng tốt, trong khi khuyến nghị của cùng công ty chứng khoán thì lại chỉ vào ngân hàng, sắt thép… Cứ theo dõi các nhận định và khuyến nghị cổ phiếu quan tâm hàng ngày của các công ty chứng khoán thì sẽ rõ.
Nhiều công ty chứng khoán còn “hợp tác” với doanh nghiệp để làm cái có tên gọi hết sức chuyên môn là “tạo lập thị trường” (market maker hay gọi tắt là làm MM). Hai bên cùng nhau giới thiệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư, định giá cổ phiếu thường cao hơn nhiều so với thị giá hiện tại và ra các báo cáo rồi cho người gửi đi khắp room và diễn đàn.
Họ còn đăng bài PR về doanh nghiệp trên nhiều báo, rồi cũng có cả mua, bán cổ phiếu… Không biết trong trường hợp nào thì làm MM được gọi là làm giá cổ phiếu?
Nếu coi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ là bầy đàn thì hẳn đang có người “chăn dắt” họ.
VN30 làm náo loạn thị trường
Có thể nói chỉ một vài cổ phiếu lớn trong rổ VN30-Index như VCB, VIC, VHM, GAS, VPB… cũng có thể làm cả sàn HOSE chuyển từ xanh sang đỏ, và ngược lại. Ví dụ VCB có giá hiện tại là 77.000 đồng/cp, nhưng chỉ cần 100 cổ phiếu VCB bán ra ở mức giá 74.000 đồng thì ngay lập tức VN-Index giảm hơn 2,43 điểm (VCB chiếm tỷ trọng 7,2% trong VN-Index).
Những cổ phiếu này có thể được ví như “công-tắc” đèn, bật qua trái thì thị trường đỏ (hoặc giảm sâu hơn), qua phải thì thị trường xanh (hoặc tăng mạnh hơn). Kết hợp chỉ một vài cổ phiếu có trọng số lớn như VCB cùng lúc có thể khiến VN-Index tăng hoặc giảm mạnh ngay lập tức.
Ai thường giao dịch các cổ phiếu này? Có lẽ không phải là số đông các cá nhân nhỏ lẻ, những người chỉ mua 1.000 cổ phiếu VN30 là đã hết sức mua. Thay vào đó, chủ yếu là các tổ chức như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư. Có hay không các tổ chức này dùng các cổ phiếu bluechip này để “điều khiển” cả thị trường trong một số trường hợp cụ thể nào đó?
Vì các cổ phiếu này còn nằm trong danh mục của nhiều quỹ đầu tư, cụ thể là ETF, nên cứ đến kỳ review là cả thị trường chạy loạn do các quỹ bán cổ phiếu này bán ra và mua cổ phiếu khác vào.
Đáng nói hơn, hiện nay hợp đồng tương lai lại được “gắn” với chỉ số VN30-Index. Thế là cứ vào ngày thứ Năm tuần thứ ba hàng tháng là cả thị trường “tàu lượn” theo VN30-Index mà chủ yếu là một vài cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong VN-Index do các hợp đồng phái sinh nói trên đáo hạn.
Nên chăng loại 30 cổ phiếu trong rổ VN30-Index ra khỏi chỉ số VN-Index, để việc 30 cổ phiếu này tăng hay giảm sẽ không còn ảnh hưởng đến VN-Index mà chỉ tác động một mình VN30-Index?
Có thể lập luận rằng trên thị trường đâu chỉ có mỗi VN-Index mà còn nhiều chỉ số khác. Nhưng thực tế, chỉ số này có tác động lớn đến nhà đầu tư.
Thứ nhất, nhà đầu tư đã quen dùng VN-Index để làm thước đo sức khoẻ của thị trường. Bên cạnh đó, các chỉ số khác đa phần là tính tỷ lệ cổ phiếu chuyển nhượng tự do (free float), trong khi không mấy nhà đầu tư hiểu thế nào là free float, hoặc chỉ hiểu đại khái. Quan trọng hơn, đa số các công ty chứng khoán và các “chuyên gia” đều phân tích và nhận định dựa trên VN-Index.
Nói đến các quỹ, liệu có hay không quỹ nước ngoài sử dụng “chân gỗ” trong nước? Công ty XYZ nào đó được lập ra để làm “chân gỗ” cho một quỹ đầu tư, công ty này mua trước các cổ phiếu mà quỹ muốn mua, sau đó chuyển qua quỹ để hợp thức hoá. Ngược lại khi bán cũng thế.
Nhưng các quỹ làm vậy để làm gì? Có khi để “lách” quy định về tỷ lệ room dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Có khi để tránh phải mua giá cao, bán giá thấp mỗi khi đến kỳ tái cơ cấu. Cũng có khi để “đánh lạc hướng” các nhà đầu tư khác, nhất là đám nhỏ lẻ,…
Nếu thế, các số liệu về mua, bán ròng hàng ngày của nhà đầu tư nước ngoài còn có ý nghĩa tham khảo, hay có khi còn là chỉ báo lệch lạc, vì thực tế thì mọi chuyện đã rồi? Thấy nhà đầu tư nước ngoài mua nhào vào mua theo có khi là mua trúng cổ phiếu họ đang bán ra!
Tạm kết, thị trường không thể chỉ có tổ chức. Thậm chí vai trò của nhà đầu tư cá nhân cũng không kém phần quan trọng so với tổ chức. Nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không cần ai “thương”, mà chỉ cần cơ quan quản lý, các tổ chức như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các chuyên gia… nhìn nhận và đối xử với họ một cách công bằng, làm sao thị trường là sân chơi fair play cho tất cả các chủ thể tham gia.