Chứng khoán

Áp lực bán dâng cao, VN-Index giảm gần 9 điểm, nhóm dầu khí ngược dòng

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 8,88 điểm (0,7%) còn 1.259,37 điểm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (0,09%) về 242,22 điểm, UPCoM-Index giảm 0,5 điểm (0,55%) xuống 90,51 điểm.

Độ rộng thị trường tiêu cực với 632 mã giảm giá, 266 mã giảm giá và 208 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường suy giảm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 565 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 12.764 tỷ đồng, trong đó thanh khoản khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 10.500 tỷ đồng.

Thị trường cuối phiên sáng có phần tích cực hơn khi dòng tiền bắt đáy đẩy vào thị trường giúp các chỉ số đồng loạt hồi phục. VN-Index từ mức giảm sâu nhất 1.253,78 điểm hồi phục lên 1.259,37 điểm, tương đương giảm từ hơn 14 điểm còn gần 9 điểm. Động lực hồi phục đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, điển hình như PLX, GAS và VIC đảo chiều tăng điểm, cùng với HDB và POW hồi phục lên ngưỡng tham chiếu.

Cùng với đó, nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt khởi sắc về cuối phiên sáng cũng góp phần nâng đỡ thị trường chung. PVC thậm chí tăng sát giá trần lên 16.900 đồng/cp, PVB xanh 5,5% lên 27.000 đồng/cp. Ngoài ra, PVO, PVS, BSR, PLX, PVD, PVT, OIL, TDG và GAS tăng 0,4% - 3,4%.

Ở chiều ngược lại, chuyển động của nhóm ngân hàng vẫn là tác nhân chính gây sức ép lên thị trường khi lấy đi gần 5 điểm của VN-Index.

Top 10 mã ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index có tới 7 đại diện đến từ nhóm ngân hàng như VCB, BID, VPB, TCB, ACB, MBB và CTG.

Tính đến 10h50, VN-Index giảm 12,21 điểm (0,96%) về 1.256,04 điểm, VN30-Index giảm 11,89 điểm (0,89%) về 1.255,76 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phe giảm với 77% số mã đỏ trên sàn HOSE, trừ một số mã dòng dầu khí đi ngược thị trường thì đa số các ngành ghi nhận giảm điểm. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên trước, giá trị khớp lệnh trên HOSE hiện đạt hơn 8.700 tỷ đồng.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 11,97 điểm (0,94%) về 1.256,28 điểm, HNX-Index giảm 1,81 điểm (0,75%) còn 240,63 điểm, UPCoM-Index giảm 0,48 điểm (0,53%) xuống 90,53 điểm.

VN-Index mở cửa giảm 10 điểm trước sức ép điều chỉnh từ toàn bộ các nhóm ngành. Trong đó, ngân hàng đang là nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường chung khi lấy đi gần 5 điểm của chỉ số chính. Theo quan sát, mức độ giảm của các mã trong ngành đều dưới 2%, nhưng sắc đỏ lan rộng dẫn đến áp lực bán toàn ngành là lớn.

KLB giảm sâu nhất nhóm bank với tỷ lệ mất giá là 1,7%. Theo sau, VCB giảm 1,5% còn 94.600 đồng/cp và là lực cản lớn nhất trên thị trường. Cùng chiều, TCB, MBB, ABB, STB cùng mất 1,3% thị giá, VAB (-1,2%), TPB (-1,1%), PGB (-1%), … Duy nhất LPB đang xanh nhẹ trên ngưỡng tham chiếu.

Bên cạnh ngân hàng, bất động sản, hóa chất và chứng khoán đồng loạt điều chỉnh ngay đầu phiên. Trong khi đó, nhóm dầu khí có dấu hiệu ngược dòng với nhiều mã ghi nhận tăng điểm như PVC (+3,2%), PVB (+2,7%), BSR (+2,1%), PVS (+1,4%), OIL (+1%), PLX (+0,8%), …

Tại thị trường quốc tế, Dow Jones ghi nhận phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp và sâu nhất kể từ tháng 3/2023 khi giá dầu tăng vọt và thị trường lo ngại Fed sẽ chưa vội cắt giảm lãi suất.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 5/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 530 điểm, tương đương 1,35% và đóng cửa ở mức 38.597 điểm. Chỉ số này đã trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023 và ghi nhận ngày giảm điểm thứ 4 liên tiếp. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm