Việc đóng cửa nhà máy Ratcliffe-on-Soar đã chấm dứt hơn 140 năm sản xuất điện than ở quốc gia đã châm ngòi cho Cách mạng Công nghiệp.
Xu thế "không thể đảo ngược"
Năm 2015, nước Anh đã công bố kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than trong thập kỷ tới như một phần của các biện pháp lớn nhằm đạt được những mục tiêu về khí hậu. Vào thời điểm đó, gần 30% điện năng của cả nước Anh được sản xuất từ than đá, nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn hơn 1% vào năm 2023.
Bộ trưởng Năng lượng Anh Michael Shanks ngày 30/9 cho biết việc đóng cửa Ratcliffe là "sự kết thúc của một kỷ nguyên", đồng thời nói thêm rằng những người làm việc trong ngành than có thể "tự hào" vì đã cung cấp năng lượng cho đất nước trong hơn 140 năm.
"Khi khép lại chương này, chúng tôi muốn tôn vinh di sản của Ratcliffe và những người làm việc tại đây, đồng thời hướng tới tương lai của nguồn năng lượng sạch và linh hoạt hơn", ông Michael Lewis - Tổng giám đốc điều hành của Uniper, công ty sở hữu nhà máy, cho biết trong một tuyên bố.
Vương quốc Anh đã chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng về năng lượng than trong 12 năm qua với số ngày không dùng điện than ngày càng tăng kể từ lần đầu tiên vào năm 2017. Ngay cả sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022 và giá khí đốt tăng đột biến sau đó, xu hướng này vẫn không đảo ngược.
"Vương quốc Anh đã chứng minh rằng có thể loại bỏ dần điện than với tốc độ chưa từng có" – bà Julia Skorupska, Trưởng Ban thư ký Powering Past Coal Alliance (PPCA), một liên minh gồm khoảng 60 quốc gia đang tìm cách chấm dứt việc sử dụng than đá - nhấn mạnh.
Giảm sử dụng năng lượng than tiếp tục giúp Anh giảm mạnh lượng khí nhà kính, vốn đã giảm hơn một nửa kể từ năm 1990. Anh, quốc gia có mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng có kế hoạch khử carbon trong ngành điện vào năm 2030, một động thái đòi hỏi phải đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo như gió và Mặt trời.
"Đây là chương cuối cùng của quá trình chuyển đổi nhanh chóng đáng kinh ngạc từ quốc gia khởi đầu Cách mạng Công nghiệp", ông Phil MacDonald - giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu năng lượng Embern nhấn mạnh và tràn đầy hy vọng về một kỷ nguyên năng lượng tái tạo mới mà Anh sẽ theo đuổi.
Sự sụp đổ "nhanh chóng đến kinh ngạc" của điện than
Ở một quốc gia châm ngòi cho Cách mạng Công nghiệp, việc chấm dứt sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch là than đá - đã đặt ra câu hỏi đầy sự tò mò: "Vương quốc Anh đã đạt được mục tiêu không sử dụng điện than như thế nào?".
Nhà máy điện than đầu tiên trên thế giới Holborn Viaduct - được khánh thành tại London vào năm 1882. Từ đó, nhà máy này đã phát triển nhanh chóng vươn đến vị trí thống trị ngành công nghiệp năng lượng của đất nước, chiếm 39% sản lượng điện tính tại Anh, đến năm 2012.
Nhưng đã có sự suy giảm nhanh chóng về năng lượng do than tạo ra ở Vương quốc Anh trong 12 năm qua. Tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức 2% hoặc thấp hơn trong cơ cấu năng lượng kể từ năm 2019. Sự kết hợp giữa các ưu đãi tài chính và các quyết định chính sách đã khiến 25 nhà máy điện than đóng cửa hoặc chuyển sang các nguồn năng lượng khác kể từ năm 2000, 15 trong số các nhà máy đóng cửa đó đã diễn ra kể từ năm 2021.
Một báo cáo mới từ Ember đã nêu ra 5 bài học chính sách quan trọng giúp Vương quốc Anh nhanh chóng thoát khỏi than. Báo cáo cho thấy sự nổi bật của chính sách thắt chặt các mục tiêu khử cacbon, đưa Anh trở thành quốc gia đầu tiên đặt mốc 2025 để loại bỏ dần điện than.
Vương quốc Anh cũng tăng giá than thông qua định giá carbon và các yêu cầu phát thải bổ sung đối với các nhà máy điện mới. Ngoài ra, điện gió ngoài khơi cũng nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp vì Anh xác định đây là một trong những ngành công nghiệp hàng đầu của xứ sở sương mù. Các cải cách thị trường đối với năng lượng tái tạo đã mang lại sự an toàn cho các nhà phát triển và việc đầu tư vào lưới điện đã cho phép kết nối nhanh chóng các nguồn năng lượng sạch mới.
Theo các chuyên gia, Anh đã cung cấp "cả củ cà rốt và cây gậy". Điều quan trọng là phải cần phải nâng cao cảnh báo về việc kết thúc nguồn gây ô nhiễm, nhưng cũng phải cung cấp một môi trường thuận lợi để xây dựng hệ thống năng lượng sạch mới.
Kể từ khi điện than bắt đầu suy giảm nhanh chóng, Anh đã tăng gấp bốn lần sản lượng điện gió và điện Mặt trời. Sản lượng điện than giảm từ 39% vào năm 2012 xuống còn 1% vào năm 2023, trong khi tỷ trọng điện gió và điện mặt trời trong lưới điện tăng từ 6% lên 34%.
Cắt giảm đáng kể lượng khí thải
Việc thay thế điện than bằng điện gió và điện mặt trời cũng có tác động lớn đến lượng khí thải của ngành điện Anh, giúp giảm 3/4 khí thải từ 158 megaton CO2 tương đương vào năm 2012 xuống còn 41 megaton CO2 tương đương vào năm 2023. Điều này có nghĩa là Vương quốc Anh đã tránh được 880 triệu tấn khí thải kể từ năm 2021 - tương đương với hơn gấp đôi tổng lượng khí thải trên toàn nền kinh tế của quốc gia này vào năm 2023.
Các chuyên gia cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm, tuy nhiên, để cắt giảm khí đốt nhập khẩu đắt tiền và rút kinh nghiệm từ nhiều bài học trong quá trình loại bỏ than - có thể được áp dụng cho giai đoạn cuối cùng của quá trình khử cacbon trong ngành điện.
Vương quốc Anh đã đạt được "một thành quả to lớn" - chuyển đổi hệ thống điện của mình từ một nguồn gây ô nhiễm lớn sang một nơi mà năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ, trong một khoảng thời gian ngắn đáng kinh ngạc. Nhưng công việc xây dựng hệ thống điện sạch sẽ tiếp tục, bao gồm việc cắt giảm nhu cầu nhập khẩu khí đốt đắt tiền, giảm hóa đơn tiền điện và tạo ra điện sạch giúp phần còn lại của nền kinh tế cũng có thể chuyển đổi theo.
Những quốc gia đã loại bỏ điện than
Việc Anh nhanh chóng chuyển hướng khỏi điện than cũng là một phần của xu hướng toàn cầu rộng lớn hơn khi các quốc gia tìm cách khử cacbon cho hệ thống năng lượng của mình.
Việc sử dụng than trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đạt đỉnh vào năm 2007 và sau đó đạt một nửa mức đỉnh đó lần đầu tiên vào năm ngoái. Sự phát triển nhanh chóng của năng lượng gió và mặt trời chịu trách nhiệm cho 87% sự sụt giảm năng lượng than ở các quốc gia này trong khoảng thời gian này. Với sự tham gia của Vương quốc Anh, hơn 1/3 trong số 38 quốc gia OECD hiện đã loại bỏ dần điện than.
11 quốc gia khác từng sử dụng điện than nhưng đã đóng cửa nhà máy cuối cùng có: Iceland (1951), Thụy Sĩ (1960), Luxembourg (1998), Latvia (2010), Bỉ (2016), Thụy Điển và Áo (2020), Bồ Đào Nha (2021), Na Uy (2023) và Slovakia (2024). Mỗi quốc gia này đều có sản lượng điện gió và điện mặt trời nhiều hơn vào năm 2023 so với sản lượng điện than ở thời kỳ đỉnh cao.
3/4 các thành viên OECD cũng dự kiến sẽ loại bỏ điện than vào năm 2030, phù hợp với các mục tiêu quốc tế nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.