Doanh nghiệp

Ấn tượng với người giữ gìn "ký ức" ngành điện

Tóm tắt:
  • Ông Trịnh Hữu Nghĩa sưu tầm đồ điện cũ để giữ ký ức ngành điện miền Nam qua từng thời kỳ.
  • Bộ sưu tập gồm đồng hồ đo điện, thiết bị đóng cắt, cầu dao thể hiện hành trình phát triển ngành điện.
  • Ông cẩn thận bảo quản các hiện vật, muốn truyền cảm hứng và lòng biết ơn cho thế hệ trẻ.
  • Những món đồ được ông thu thập qua nhiều năm gắn liền ký ức cá nhân và lịch sử ngành điện.
  • Ông quyết định tặng bộ sưu tập cho Công ty Điện lực Đồng Tháp để trưng bày và giáo dục thế hệ sau.

Mỗi vật dụng, mỗi kỷ vật tưởng chừng như vô tri, lại ẩn chứa trong nó một phần ký ức thiêng liêng của ngành điện Việt Nam qua từng thời kỳ. Đó là một hành trình thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa, nơi ông cần mẫn như những con nhện miệt mài giăng tơ, dệt nên mạng lưới ký ức của một thời kỳ gian khó, góp phần thắp sáng niềm tin từ quá khứ cho thế hệ mai sau.

Ký ức từ những món đồ cũ bỏ đi

Dành phần lớn cuộc đời gắn bó với ngành điện, ông Nghĩa không chỉ là một người công nhân cần mẫn mà còn là "người giữ ký ức" của ngành. Không rõ từ bao giờ, ông bắt đầu sưu tầm lại những chiếc đồng hồ đo điện cũ, các thiết bị đóng cắt, dây dẫn, cầu dao… Những vật dụng này từng theo ông đi suốt những năm tháng tuổi trẻ yêu nghề đầy mồ hôi và thử thách.

Ấn tượng với người giữ gìn 'ký ức' ngành điện- Ảnh 1.

Ông Trịnh Hữu Nghĩa - công nhân Điện lực Sa Đéc - chăm chú ngắm nhìn bộ sưu tập đồ nghề điện cổ của mình, mỗi món vật dụng là một mảnh ký ức không thể quên của ngành điện qua các thời kỳ

ẢNH: ĐIỀN LỰC ĐỒNG THÁP

Với ông, việc gom góp những món đồ tưởng như đã lỗi thời ấy không chỉ là thú vui mà còn là cách để ông lưu giữ một phần lịch sử của ngành điện. Ông bộc bạch đầy xúc động: "Mỗi thiết bị, mỗi vật dụng đều gắn liền với những bước phát triển, với dấu ấn của một thời mà ngành điện nói chung, đặc biệt ngành điện miền Nam - nơi tôi gắn bó từ những ngày còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhìn những chiếc đồng hồ điện cơ cũ, vỏ sắt tróc sơn, tôi như được sống lại những ngày đầu đi kéo dây, lắp trạm, thắp sáng những vùng quê còn mịt mù bóng tối".

Cơ duyên đến với thú sưu tầm của ông bắt đầu thật tình cờ. Trong một lần đi lắp đặt và sửa chữa điện tại nhà dân, ông Nghĩa thấy chủ nhà định bỏ đi một chiếc đồng hồ điện đã hư hỏng. Thấy tiếc, ông ngỏ ý xin lại. Và rồi, chiếc đồng hồ ấy trở thành vật kỷ niệm đầu tiên trong bộ sưu tập của ông.

"Mỗi món đồ là một câu chuyện, một kỷ niệm. Nhìn nó, tôi nhớ đến những ngày đầu tiên làm thợ điện - vất vả nhưng vui, cực nhọc nhưng đầy tự hào. Có hôm trèo cột giữa trưa nắng gắt, có hôm đi sửa điện trong mưa bão, có khi phải băng qua ruộng, rừng để kéo đường dây vào vùng sâu vùng xa…", ông Nghĩa hồi tưởng.


Từ đó, mỗi lần đi công tác, nếu gặp những thiết bị cũ mà chủ nhà không dùng đến, ông lại xin mang về. Dần dần, số lượng hiện vật ngày một nhiều lên, mỗi món là một câu chuyện, một dấu mốc của ngành điện. Có món đồ, ông phải chờ cả chục năm mới tìm được; có món được người quen biết tặng lại sau khi biết về đam mê đặc biệt ấy.

"Có món tôi theo đuổi cả 20 năm mới sở hữu được. Có món tưởng chừng không thể tìm lại, thì một ngày nào đó, như cơ duyên, nó lại xuất hiện trước mắt tôi" - ông Nghĩa xúc động kể.

Nơi ký ức được sắp xếp ngăn nắp, gửi gắm cho thế hệ sau

Không để những kỷ vật ấy nằm ngổn ngang, ông cẩn thận lau chùi, sắp xếp chúng ngay ngắn trong căn phòng nhỏ tại nhà mình. Nhìn vào, như thấy cả một thời kỳ phát triển của ngành điện được tái hiện lại đầy đủ - từ thời còn dùng dây trần kéo ngang đồng ruộng, cho đến những bộ máy đo, công tơ điện cơ, công tắc sứ, cầu chì cổ lỗ.

"Mỗi món đồ là một câu chuyện, một kỷ niệm. Nhìn nó, tôi nhớ đến những ngày đầu tiên làm thợ điện - vất vả nhưng vui, cực nhọc nhưng đầy tự hào. Có hôm trèo cột giữa trưa nắng gắt, có hôm đi sửa điện trong mưa bão, có khi phải băng qua ruộng, rừng để kéo đường dây vào vùng sâu vùng xa…", ông Nghĩa hồi tưởng.

Những hiện vật ấy không chỉ là thứ để ông nhớ lại quá khứ, mà còn là minh chứng sống động cho sự phát triển không ngừng của ngành Điện lực Việt Nam nói chung và Điện lực miền Nam nói riêng.

Khi được hỏi điều gì thôi thúc ông miệt mài đi gom từng món đồ đã cũ, ông cười hiền và chia sẻ: "Tôi chỉ mong lớp trẻ sau này hiểu rằng ngành điện đã trải qua bao gian nan, thử thách. Hiểu để thêm yêu ngành, thêm trân trọng những gì mà thế hệ trước đã vun đắp"

Đó cũng chính là lý do ông quyết định tặng toàn bộ bộ sưu tập hiện vật quý giá ấy cho Công ty Điện lực Đồng Tháp - nơi ông đã gắn bó gần cả cuộc đời. Ông nói, tôi mong rằng những hiện vật ấy sẽ được trưng bày tại phòng truyền thống hoặc các dịp sinh hoạt chuyên đề để thế hệ trẻ có thể nhìn thấy, chạm vào và cảm nhận được lịch sử phát triển của ngành điện một cách trực quan, sinh động.

"Cái quý giá nhất trong cuộc đời tôi chính là những gì mà đến hôm nay tôi còn lưu giữ được. Tôi không giữ riêng cho mình, mà muốn chia sẻ với ngành - như một cách tri ân", ông nói.

Có thể nói, ông Nghĩa là một trong những người thợ điện rất đỗi bình dị, nhưng lại có một hành động thật ý nghĩa - gìn giữ ký ức ngành nghề bằng chính tấm lòng và đôi tay cần mẫn của mình. Không ồn ào, không khoa trương, ông lặng lẽ đi nhặt nhạnh từng mảnh vụn thời gian để dệt nên bức tranh ký ức sống động về một ngành nghề cao quý - ngành điện.

Ấn tượng với người giữ gìn 'ký ức' ngành điện- Ảnh 2.

Ông Trịnh Hữu Nghĩa cẩn thận lắp ráp các thiết bị điện cũ vào phòng truyền thống của Công ty Điện lực Đồng Tháp - nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử ngành Điện Đồng Tháp nói riêng và ngành Điện miền Nam nói chung qua từng thời kỳ

ẢNH: THANH TUYỀN

 

Giữa muôn vàn công việc, giữa bao lo toan thường nhật, thật đáng quý khi vẫn có những con người như ông - miệt mài gìn giữ từng kỷ vật tưởng như bỏ đi, nâng niu như thể từng món báu vật. Và cũng từ những kỷ vật ấy, ông truyền đi thông điệp sâu sắc về lòng biết ơn, về sự tiếp nối thế hệ và về một niềm tin luôn được thắp sáng - niềm tin vào con người ngành điện, vào giá trị của quá khứ và tương lai.

Giữa dòng chảy hiện đại hóa không ngừng nghỉ, thật trân quý biết bao khi vẫn còn những người như ông Trịnh Hữu Nghĩa – lặng lẽ đi nhặt nhạnh từng mảnh ký ức nghề nghiệp để thắp lên ngọn lửa tri ân, giữ cho ngành điện miền Nam một vùng ký ức vẹn nguyên, sống động.

"50 năm – một hành trình thắp sáng niềm tin" không chỉ được viết nên bằng những công trình điện vĩ đại, mà còn được dệt từ trái tim của những người bình dị như ông - người đã cần mẫn giăng tơ ký ức giữa thời gian, để ánh sáng hôm nay không bao giờ lụi tắt.

Các tin khác

Dấu hiệu nào cơ thể thiếu protein?

Protein có tác dụng xây dựng cơ bắp, sửa chữa mô, chắc xương, vì vậy thiếu chất dinh dưỡng này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của trẻ.

Tiêm thuốc điều trị 15 loại ung thư khác nhau

ANH - Thuốc miễn dịch Nivolumab được tiêm dưới da có thể điều trị 15 loại ung thư bao gồm ung thư phổi, đại tràng, thận, bàng quang, thực quản, da và ung thư vùng đầu cổ...

Vì sao phụ nữ tuổi mãn kinh khó giảm cân?

Nội tiết tố thay đổi ảnh hưởng đến trao đổi chất, quá trình lão hóa tự nhiên, thay đổi lối sống khiến phụ nữ tuổi mãn kinh khó kiểm soát cân nặng.