Thông tin được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nêu trong báo cáo vừa công bố sáng nay.
Theo ADB, vào cuối tháng 9, tổng lượng trái phiếu đang lưu hành của Việt Nam đạt 108,6 tỷ USD. Tăng trưởng trái phiếu Chính phủ chậm do lượng trái phiếu đáo hạn thấp và lượng phát hành giảm trong quý. Trái phiếu doanh nghiệp giảm 3,1% so với quý trước do lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong quý III/2023.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ của Việt Nam tăng ở tất cả các kỳ hạn trong giai đoạn từ ngày 1/9 đến ngày 10/11 do lạm phát gia tăng và quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Lạm phát giá tiêu dùng tăng từ 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7 lên 3,6% so với cùng kỳ trong tháng 10, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 4,5% cho cả năm 2023.
Báo cáo cũng cho biết các điều kiện tài chính tại Đông Á mới nổi đã suy yếu trong quý III năm nay, trong bối cảnh các kỳ vọng về lãi suất cao hơn với thời gian dài hơn tại Mỹ. Phản ứng trước tình trạng lãi suất tăng cao tại Mỹ, lãi suất trái phiếu chính phủ đã tăng lên tại hầu hết các thị trường trong khu vực.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gần đây đã cho thấy ý định duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Điều này đã góp phần làm suy yếu các điều kiện tài chính tại khu vực Đông Á mới nổi trong khoảng thời gian từ ngày 1/9 đến ngày 10/11.
Nhu cầu bên ngoài yếu và triển vọng tăng trưởng vừa phải tại Trung Quốc, cùng với lập trường thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang, đã khiến thị trường chứng khoán khu vực đi xuống và làm tăng phí bảo hiểm rủi ro. Dòng vốn rút khỏi khu vực đã được ghi nhận trên các thị trường chứng khoán và trái phiếu khu vực. USD mạnh hơn do lãi suất cao hơn tại Mỹ cũng gây áp lực lên các đồng tiền của khu vực.
Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm các nền kinh tế thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Trung Quốc; Hồng Kông, Trung Quốc; và Hàn Quốc.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Chúng ta thấy lạm phát sẽ giảm bớt tại Đông Á mới nổi trong vài năm tới; đây là một diễn biến đáng mừng vì các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ có thêm dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, họ vẫn cần cảnh giác trước nguy cơ bất ổn tài chính, trong bối cảnh lãi suất vẫn neo cao trong thời gian dài hơn. Tăng cường các nền tảng kinh tế sẽ bảo đảm ổn định tài chính và hỗ trợ tăng trưởng.”
Lượng trái phiếu phát hành tại Đông Á mới nổi đã tăng 8,6% so với quý trước, lên mức 2.500 tỷ USD trong quý 3 năm nay. Tổng lượng trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực đã tăng 2,5%, lên 23.500 tỷ USD. Trái phiếu chính phủ tăng 3% trong bối cảnh tăng lượng phát hành, chiếm 62,4% tổng dư nợ trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng 1,5%.
Theo ADB, tổng lượng trái phiếu bền vững trong khu vực ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3), được sử dụng để tài trợ cho các dự án và chương trình có tác động tích cực về môi trường và xã hội, đã đạt 734,1 tỷ USD vào cuối tháng 9, sau đợt phát hành lớn trị giá 57,3 tỷ USD trong quý III.
ASEAN+3 chiếm 36,3% tổng lượng phát hành trái phiếu bền vững toàn cầu trong quý III/2023, đưa nơi này trở thành thị trường trái phiếu bền vững khu vực lớn thứ hai trên thế giới. Các thị trường ASEAN đóng góp 7,4% tổng lượng phát hành của ASEAN+3.