Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 7 năm 2023. Trong đó, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đã bị hạ từ 6,5% xuống còn 5,8%. ADB cũng giảm dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam từ 6,8% xuống còn 6,2%.
Về vấn đề lạm phát, ADB ước tính tốc độ tăng giá cả tại Việt Nam sẽ đạt 4% trong năm 2023, so với dự báo 4,5% vào tháng 4. Ngân hàng này kỳ vọng sang năm 2024, lạm phát nước ta vẫn sẽ duy trì ở mức 4%, thấp hơn so với dự báo 4,2% hồi tháng 4.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Singapore là hai nền kinh tế ADB hạ kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay. Ngược lại, Ngân hàng Phát triển Châu Á cho rằng nền kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng với tốc độ 3,5% trong năm 2023, cao hơn dự báo ban đầu là 3,3%. Ngoài Thái Lan, ADB cũng nâng dự báo tăng trưởng của Philippines thêm 0,2 điểm % lên 6,2% trong năm 2023.
Theo ADB, nhìn chung các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm nay, do nhu cầu nội địa mạnh mẽ hỗ trợ sự phục hồi.
Lạm phát trên toàn khu vực dự kiến cũng sẽ tiếp tục giảm, tiến gần về ngưỡng trước đại dịch khi giá năng lượng và thực phẩm đi xuống. ABD ước tính lạm phát tại các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay sẽ ở mức 3,6%, so với ước tính 4,2% hồi tháng 4. Tuy nhiên, ABD đã nâng dự báo lạm phát của năm 2024 lên 3,4%, so với 3,3% trong báo cáo hồi tháng 4.
Ngân hàng này cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại đang thúc đẩy tăng trưởng trong toàn khu vực. ABD kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4 nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ.
Ngân hàng Phát triển Châu Á cảnh báo nhu cầu với hàng điện tử và những mặt hàng chế tạo khác từ châu Á đang chậm lại khi các nền kinh tế phát triển chủ đạo trở nên trì trệ dưới tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt.
Dự báo tăng trưởng của của những nền kinh tế đang phát triển tại châu Á được hạ xuống 4,7% trong năm 2023, so với 4,8% hồi tháng 4.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi sau đại dịch với tốc độ ổn định. Nhu cầu trong nước và hoạt động dịch vụ đang tạo đà cho tăng trưởng, trong khi nhiều nền kinh tế cũng đang được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.
“Tuy nhiên, hoạt động công nghiệp và xuất khẩu vẫn còn yếu, dẫn tới triển vọng tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu trong năm tới bị suy giảm”, ông nói thêm.