Kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8% trong khi phần lớn các nước trên thế giới phải đối mặt với lạm phát cao, tỷ giá biến động, giá năng lượng cao và các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Bước sang năm 2023, mục tiêu GDP của Việt Nam là 6,5% - thấp hơn năm trước nhưng được đánh giá là đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới.
Theo ACBS, lạm phát năm 2023 tiếp tục được kiểm soát, tạo điều kiện cho Chính phủ có dư địa để thúc đẩy chi tiêu công. Nguồn vốn bơm vào nền kinh tế thông qua đầu tư công có thể giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống và thúc đẩy một số lĩnh vực như vật liệu xây dựng, logistics, khu công nghiệp...
Về thị trường chứng khoán, ACBS ước tính VNIndex năm 2023 đạt 1.217 điểm với mức tăng trưởng lợi nhuận là 12,8% và P/E là 11,3x. Kịch bản cơ sở của ACBS dựa trên hai giả định. Một là khả năng phục hồi của ngành ngân hàng nhờ chất lượng tài sản và NIM duy trì ổn định. Hai là lạm phát trong tầm kiểm soát giúp Chính phủ có nhiều dư địa để xúc tiến đầu tư công, qua đó, thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng cùng các ngành liên quan như logistics, khu công nghiệp. Vốn được bơm vào nền kinh tế thông qua chi tiêu công sẽ giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống và giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn.
Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 trở nên hấp dẫn và sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại quay trở lại. Cụ thể là thị trường chứng khoán sẽ đi trước sự xoay trục kinh tế và bắt đầu xu hướng tăng vào cuối quý I, đầu quý II.
Trong báo cáo chiến lược năm 2023, ACBS còn dự báo triển vọng một số ngành. Theo đó, ngành ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt 14%, tăng trưởng huy động sẽ cải thiện nhờ lãi suất huy động đang khá hấp dẫn và giải ngân đầu tư công khởi sắc hơn.
ACBS dự báo NIM toàn ngành có thể giảm nhẹ, tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng do phụ thuộc vị thế thanh khoản và quy mô hỗ trợ lãi vay. Lãi suất liên ngân hàng tăng lên sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng vay ròng trong khi đó, NIM của các ngân hàng không phụ thuộc vào nguồn vốn liên ngân hàng sẽ ít bị ảnh hưởng.
Về phân khúc bất động sản khu công nghiệp, ACBS đưa ra đánh giá tích cực nhờ nhiều yếu tố thuận lợi như FDI giải ngân tăng, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu từ các tập đoàn quốc tế ổn định, đặc biệt là các tập đoàn điện tử, logistics và ôtô. Miền Bắc được kỳ vọng trở thành cơ sở sản xuất mở rộng từ Trung Quốc và miền Nam sẽ vươn lên thành trung tâm logistics khu vực. Trong đó, nguồn cung đất công nghiệp mới ở phía Bắc sẽ nhiều hơn ở phía Nam, đặc biệt là ở Bắc Ninh và Hải Phòng nhờ sự hiện diện của các hãng điện tử lớn như Samsung, LG và chuỗi cung ứng của các tập đoàn này. Do diện tích đất công nghiệp hạn chế và nhu cầu ổn định từ các công ty nước ngoài nên giá thuê dự kiến sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn so với phía Nam. Nguyên nhân do nguồn cung mới dịch chuyển ra ngoài các khu vực truyền thống đến khu vực có giá thuê thấp hơn như Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh ở phía Nam và Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định ở phía Bắc.
Trong khi đó, phân khúc bất động sản nhà ở tiếp tục gặp nhiều thách thức khi làn sóng tái cấu trúc và sàng lọc doanh nghiệp bất động sản nhà ở vẫn tiếp diễn. Nguồn cung mới hạn chế và tỷ lệ hấp thụ có thể ở mức thấp do điều kiện thị trường không thuận lợi như lãi suất cao, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản hạn chế và phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Giá bán sơ cấp căn hộ và nhà liền thổ có thể tăng nhẹ do nguồn cung hạn chế và phân khúc cao cấp chiếm ưu thế trong khi giá bán đất nền có thể đi ngang hoặc giảm. Các chủ đầu tư có thể tiếp tục hỗ trợ lãi suất, cam kết mua lại, đảm bảo lợi nhuận cho thuê hoặc các chương trình khuyến mãi khác để kích cầu.
Về ngành dầu khí, theo ACBS, tiêu thụ dầu có thể đi ngang do lo ngại ngày càng tăng về suy thoái và lạm phát. Tuy nhiên, trong dài hạn, theo Global Petrol Prices, đây là khu vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ngoài ra, theo BMI, tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 3,5% mỗi năm cho đến năm 2029. Cùng với sự hồi phục kinh tế sau dịch bệnh, tăng trưởng GDP Việt Nam, lượng tiêu thụ ôtô và khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng cũng sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng này.
Đối với ngành điện, nhóm nhiệt điện than dự kiến đóng góp sản lượng điện lớn nhất, chiếm từ 31 đến 42% cho đến năm 2030. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm dần trong thời gian dài khi Chính phủ nỗ lực cắt giảm lượng khí carbon. Ngoài ra, sản lượng tuabin LNG sẽ tăng từ 0 lên ít nhất 88 tỷ kWh vào năm 2030 với 15 dự án sẽ được triển khai, bắt đầu với NT3 & 4 (POW) tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Khoảng 10.800 km - 12.500 km đường dây 500kV và khoảng 16.000 km đường dây 220kV sẽ được bổ sung vào hệ thống lưới điện quốc gia.
Dự kiến sản lượng điện tối đa được chuyển giao giữa các vùng sẽ không vượt quá 20 tỷ kWh mỗi năm. Về điều kiện thời tiết, khả năng xảy ra EL Nino được dự phóng là cao. ACBS kỳ vọng, điều kiện thời tiết năm 2023 sẽ thuận lợi cho các nhà máy nhiệt điện hơn thủy điện, bao gồm nhiệt điện than và tua-bin khí do El Nino dẫn đến lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm.
Ngành thép trong năm 2023 được nhìn nhận là có điểm sáng đối. Hòa Phát đã tăng thị phần từ 32% năm 2021 lên 36,2% năm 2022, các nhà sản xuất thép khác như Nam Kim, thép VN hay Đông Á cũng tăng thị phần thêm 1-2% vào năm 2022. Sự gia tăng thị phần của các nhà sản xuất thép lớn giúp củng cố thị trường và các công ty trong ngành có vị thế tốt hơn để phục hồi khi thị trường tích cực trở lại.
"Trong vòng 2 năm tới, lĩnh vực bất động sản có thể phục hồi, kéo theo nhu cầu thép trở lại. Hòa Phát và Nam Kim dự kiến hoàn thành các dự án mở rộng vào cuối năm 2024 đầu năm 2025 và sản lượng của các công ty này được kỳ vọng sẽ tăng vọt sau khi các dự án này đi vào hoạt động", theo báo cáo của ACBS.
Đối với ngành bán lẻ, ACBS tiếp tục duy trì kỳ vọng khởi sắc. Theo đó, sự trở lại của du khách quốc tế sẽ đóng góp vào tăng trưởng chung trong khi hoạt động tiêu dùng trong nước vẫn có triển vọng dài hạn.
Báo cáo chiến lược 2023 của ABCS nhận định, năm 2023 sẽ có sự phân hóa về ngành. Điểm đặc biệt là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những đợt giải ngân sớm hơn từ quý II nhằm đón đầu những tín hiệu lạc quan.
"Điều này càng có ý nghĩa khi thị trường đang được định giá ở mức hấp dẫn, gần với đáy 10 năm lịch sử, thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó sẽ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong nước", báo cáo này cho biết thêm.