Bất động sản

Tái định cư phải là nơi đáng sống

Tái định cư phải là nơi đáng sống - Ảnh 1.

Những căn nhà cao tầng được người dân xây dựng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Dọn về ở tại khu tái định cư (TĐC) Lộc An - Bình Sơn (xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) được khoảng 4 tháng nay, bà Nguyễn Luận cho biết đã quen dần với cuộc sống của nơi ở mới. “Nhà ở đây thì được cái thông thoáng, sạch sẽ. Tuy diện tích xây dựng không lớn nhưng gia đình cũng tính toán làm được căn nhà khang trang và đẹp hơn nhà cũ rất nhiều” - bà Luận nói.

Tái định cư phải là nơi đáng sống - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Hiệp trồng thêm vườn rau để cải thiện bữa ăn tại nơi ở mới thuộc khu tái định cư.

Bảo đảm quyền lợi cho dân

Gia đình bà Luận trước đây nhà ở xã Suối Trầu, toàn bộ khu đất của gia đình nằm trọn trong dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành và thuộc diện thu hồi đất thực hiện dự án. “Gắn bó ở đó từ lúc sinh ra, nay nhà nước làm dự án sân bay thì mình cũng ủng hộ. Giờ có căn nhà lớn vậy thì cũng vui, nhìn chung đến thời điểm này thì cơ bản ổn định cuộc sống hơn” - bà Luận bộc bạch.

Còn với chị Nguyễn Thị Hiệp, căn nhà 2 tầng gia đình đang ở chính là mơ ước lâu nay. Chị Hiệp cho hay, trước đây nhà ở ấp 2, xã Suối Trầu. Công việc chủ yếu là làm nông nghiệp. Khi hay tin toàn bộ đất của gia đình nằm trong diện thu hồi thực hiện dự án, cả nhà chị ai nấy cũng lo lắng. Nhưng sau khi được đảm bảo các chính sách về đền bù, cấp đất tái định cư, cả gia đình về cơ bản đồng tình, ủng hộ. “Nhà có 6 khẩu, phải xây lớn một chút vì diện tích chỉ có 125m2, nhìn chung có nhà to, đẹp, khang trang là vui rồi” - chị Hiệp nói.

Bà Luận hay chị Hiệp là hai trong số 1.500 hộ gia đình đã xây dựng nhà ở tại khu TĐC Lộc An - Bình Sơn. Với diện tích các lô được cấp từ 80m2 (lô phụ) đến 250m2 (lô sân vườn) nên gần như trên 90% các hộ gia đình đều xây dựng nhà kiên cố, có tầng lầu hoặc dạng nhà ở biệt thự. Từ trên cao nhìn xuống, khu TĐC Lộc An - Bình Sơn trông như một khu đô thị “hạng sao”.

Mới đây, trong chuyến thị sát đầu năm tại khu TĐC Lộc An - Bình Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, lãnh đạo tỉnh, địa phương nắm chắc mọi vấn đề để gỡ vướng mắc cho người dân. “Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai phải nghiên cứu lại cách xử lý việc tái định cư, không để khó cho người dân. Thực tiễn phát sinh những vướng mắc thì cần nghiên cứu lại, điều chỉnh phù hợp, đừng quá cứng nhắc để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Phải rà soát lại các chính sách xem đã hợp lý chưa? Những trường hợp mà nhân dân nêu rất là cụ thể. Phải đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, làm sao để cho cuộc sống của người dân tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã báo cáo với Thủ tướng, hiện nay các hạng mục thuộc dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu đã cơ bản hoàn thành. Về nhà ở, hiện có 1.500 hộ gia đình hoàn thành việc xây dựng, dọn về sinh sống. Dự kiến, thời gian tới, sẽ có hàng ngàn hộ thuộc diện được cấp tái định cư tiến hành xây dựng nhà, chuyển về sinh sống. “Toàn bộ nhà ở đều được xây dựng kiên cố, khang trang, đạt tiêu chuẩn” - ông Dũng nói.

Còn theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư dự án, hiện nay các gói thầu của dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã hoàn thành, gồm gói thầu xây dựng các tuyến đường giao thông, tuyến thoát nước ra suối Ông Quế, hệ thống hạ tầng các phân khu, hệ thống điện trung hạ thế, viễn thông, chiếu sáng, cấp nước…

Tái định cư phải là nơi đáng sống - Ảnh 3.

Khu Tái định cư Lộc An - Bình Sơn nhìn từ trên cao đã thành hình của một khu đô thị.

Vẫn trăn trở sinh kế “hậu tái định cư”

Cũng giống như những khu TĐC khác trên cả nước, ở Lộc An - Bình Sơn vẫn còn một số vấn đề khó khăn trong hoàn thiện chủ trương, chính sách tại nơi ở mới. Và một trong những trăn trở lớn nhất chính là sinh kế hậu tái định cư.

Ông Vũ Đặng Ngọc Tú, cư dân khu TĐC Lộc An - Bình Sơn cho rằng, việc hạ tầng hoàn thiện là điều đáng vui mừng nhưng sinh kế của người dân cũng không kém phần quan trọng. “Như nhà tôi được đền bù tổng cộng số tiền là 1,3 tỷ đồng, được cấp 1 lô phụ 80m2. Nhưng nhà có đến 4 nhân khẩu, làm trên diện tích 80m2 buộc phải lên lầu, khi làm lên lầu thì số tiền không đủ, buộc phải vay thêm để làm. Như vậy, tính ra, là tiền đền bù còn không đủ để làm nhà. Ở đây nhiều người có chung hoàn cảnh như tôi” - ông Tú cho hay.

Tái định cư phải là nơi đáng sống - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Luận bên vườn rau trồng ở khu đất tái định cư.

Trước đây, vợ chồng ông Tú đều đi làm công nhân cho công ty ở trong xã Bình Sơn. Nay ra đây, vợ chồng đều không có việc làm vì nơi làm cũ xa nơi ở mới. “Ở đây không có đất thì không làm được nông nghiệp, còn buôn bán cũng ế lắm vì chưa có nhiều người sinh sống. Hai vợ chồng mở quán nước mía bán cho vui chứ lời lãi chưa được bao nhiêu” - ông Tú trầm tư.

Cũng như ông Tú, nhiều người dân ở đây đều trăn trở về sinh kế sau khi đến khu TĐC. Theo họ, những người từ 40 tuổi trở lên rất khó xin việc làm. Nhiều người khi về đây xây xong nhà thì cũng chỉ còn một ít vốn, có người không còn tiền. Một số người sau khi xây nhà thì mở tạp hóa, quán ăn, quán cà phê. Đa số người dân ở khu TĐC trước đây đều làm nông nghiệp, vì vậy, việc tiếp cận các công việc khác cũng là điều nan giải. Một số người đã quen với nếp sống làm nông nghiệp nên khi thay đổi sang đời sống mới mang dáng dấp đô thị thì có phần bối rối.

Về vấn đề việc làm, Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (đối diện khu TĐC) cũng chỉ đáp ứng được một phần nào đó công việc cho cư dân ở đây. Hiện nay, đơn hàng ít nên các công ty cũng tuyển người ít hơn, công việc cũng không dồi dào như trước. Trong khi, ghi nhận thực tế, những cửa hàng vật liệu xây dựng, bất động sản, nhà hàng mọc lên ở khu TĐC phần lớn đều là của những người nơi khác đến thuê và buôn bán, sản xuất kinh doanh.

Ngoài sinh kế, khu TĐC vẫn còn những vướng mắc chưa được tháo gỡ, trong đó có tình trạng người dân đã bốc được các lô đất nhưng chưa được cơ quan chức năng cắm mốc chỉ giới nên chưa thể tiến hành xây dựng. Một số khu vực điện, nước chưa hoàn thiện khiến việc xây dựng cũng gặp khó dẫn đến người dân đã bàn giao đất cho dự án nhưng phải đi thuê nhà ở vì đất ở khu TĐC mặc dù đã được cấp nhưng chưa xây dựng được.

Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã đốc thúc lãnh đạo huyện Long Thành, các sở, ngành đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất cho cư dân tiến hành xây dựng. Tránh tình trạng đất đã giao nhưng không thể xây dựng.

Ngoài ra, hạng mục trường học vẫn chưa thực hiện xong như tiến độ đặt ra nên học sinh các cấp vẫn phải đi học “ké” ở những điểm trường xa khu TĐC.

Ông Nguyễn Hữu Thành - chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch - xây dựng:

Nắm rõ tâm tư, nguyên vọng của dân

"Khu TĐC không chỉ là nơi ở mà còn là không gian sống, làm việc, giao thương, học hành, là phong tục, tập quán của người dân. Do đó, chính quyền cần nắm rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để có phương án giải quyết tối ưu nhất. Không phải cứ xây khu TĐC hoành tráng là chăm lo tốt về nơi ở cho người dân. Sinh kế đảm bảo cho một cuộc sống tốt cũng là điều quan trọng sau nơi ở. Theo tôi, vấn đề tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội phù hợp với nhu cầu của người dân bị ảnh hưởng sau thu hồi đất cần được chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm trong những dự án quốc gia trọng điểm tới đây chứ không gì riêng tỉnh Đồng Nai".

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy - quê Bà Rịa-Vũng Tàu:

Việc kinh doanh ở nơi mới thuận lợi

"Gia đình tôi có người chú ở khu TĐC này, thấy có thể làm ăn được nên kêu vợ chồng tôi lên đây. Thấy quy mô khu này lớn nên vợ chồng tôi thuê 2 lô để kinh doanh vật liệu xây dựng. Do khu TĐC đang có nhiều nhà đang xây nên việc kinh doanh của tôi gặp nhiều thuận lợi. Vợ chồng tôi cũng tính mua một lô đất ở đây để làm nơi định cư lâu dài và phục vụ cho việc kinh doanh tốt hơn".


Cùng chuyên mục

Đọc thêm