Vị trí dẫn đầu thuộc về hai mã cổ phiếu ngân hàng quốc doanh là VCB của Vietcombank (hơn 440.000 tỷ) và BID của BIDV (gần 223.000 tỷ), như thể hiện trong bảng thống kê bên trên. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu PDR của Bất động sản Phát Đạt là mã duy nhất có vốn hóa dưới 10.000 tỷ đồng.
Xếp ngay trên PDR trong bảng xếp hạng giá trị thị trường là cổ phiếu NVL của Novaland. Trong tháng 11/2022, cả PDR và NVL đều giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp, khiến cho vốn hóa sa sút và nhà đầu tư thua lỗ nặng.
Từ đầu tháng 12 đến nay, giá hai cổ phiếu bất động sản này nhìn chung đi ngang, không giảm sâu thêm nhưng cũng chưa hồi phục.
So với mức giá cuối tháng 10 năm ngoái, giá cổ phiếu PDR hiện nay đã rớt 76,4%, tương đương với khoảng 26.200 tỷ đồng vốn hóa đã bay hơi. Các con số tương ứng với NVL là giá giảm 83,3% và vốn hóa lao dốc 138.000 tỷ.
Vào ngày 28/2 tới đây, Phát Đạt sẽ chốt danh sách cổ đông để tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Thời gian diễn ra dự kiến trong tháng 3, địa điểm tổ chức chưa được công bố.
Quý IV vừa qua, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần 14,6 tỷ đồng, chỉ bằng 1,2% cùng kỳ 2021. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, công ty lỗ gộp 14 tỷ trong khi quý IV năm trước có lãi gộp 1.116 tỷ. Chi phí lãi vay tăng gấp đôi từ 70 tỷ lên 140 tỷ. Các chi phí khác thay đổi không đáng kể. Kết quả cuối cùng, Phát Đạt lỗ sau thuế 229 tỷ, trong khi quý IV năm trước có lãi 751 tỷ.
Giải trình của Phát Đạt cho biết công ty chuyển từ lãi thành lỗ do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, việc đầu tư kinh doanh của Phát Đạt vào các dự án bất động sản không được thuận lợi. Một nguyên nhân khác là chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của công ty.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Phát Đạt giảm 58% còn 1.505 tỷ đồng, lãi gộp giảm 54% còn 1.276 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng đột biến lên 1.267 tỷ, cao gấp 188 lần năm trước. Nhờ vậy, Phát Đạt thoát lỗ và báo cáo lợi nhuận sau thuế 1.170 tỷ đồng trong năm 2022, chỉ giảm 37% so với năm trước.
Khoản doanh thu tài chính bất thường đã góp công lớn giúp Phát Đạt ghi nhận biên lãi thuần năm 2022 đứng thứ 2 trong số các công ty với doanh thu thuần trên 1.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM – Mã: VEA).
Đa phần lợi nhuận của VEAM không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính mà là từ lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết như Công ty TNHH Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam, ….
Trong khi doanh thu hoạt động tài chính của Phát Đạt năm 2022 là khoản mục bất thường thì VEAM thường xuyên thu về 5.000 – 7.000 tỷ đồng mỗi năm từ các doanh nghiệp liên kết. VEAM hiện nay sở hữu 30% vốn của Honda Việt Nam, 20% vốn của Toyota Việt Nam và 25% vốn của Ford Việt Nam.