1. Nha đam
Cây nha đam không chỉ có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe mà lại còn dễ trồng nên được nhiều người tự trồng tại nhà.
Nha đam có đến 200 thành phần dinh dưỡng và hoạt chất, trong đó có 20 loại dưỡng chất, 18 loại acid hữu cơ, 12 loại vitamin. Bạn có thể sử dụng nha đam để làm đẹp, giúp săn chắc da và kháng khuẩn. Ngoài ra, loại cây này còn giúp sơ cứu vết bỏng cấp độ 1 - 2, hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp,...
2. Bạc hà
Với cách trồng và chăm sóc khá đơn giản, bạn có thể thu hoạch lá bạc hà sau 15 ngày đến 1 tháng
Bạc hà vốn là loại gia vị quen thuộc trong bữa ăn gia đình. Nhưng, bạn có biết ngoài là một loại rau gia vị, bạc hà còn có khả năng điều trị một số bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ như: trị ho, cảm mạo, làm sạch đường hô hấp, trị ngứa da, dị ứng... Ngoài ra, bạc hà còn giúp xua đuổi côn trùng.
3. Cây lá bỏng
Cây lá bỏng với nhiều công dụng như vậy lại dễ sống, dễ chăm sóc nên được nhiều gia đình lựa chọn để trồng như cây cảnh
Trước nay chúng ta thường sử dụng cây lá bỏng để trang trí mà không hề biết rằng, đây là một cây thuốc với vô vàn lợi ích. Cây lá bỏng có chứa nhiều hợp chất kháng khuẩn. Vì thế, bạn có thể sử dụng để chữa bỏng nhẹ, viêm họng, viêm xoang mũi, chữa trị nội, trị đau lưng, đau xương khớp.
4. Thì là
Rau thì là dễ trồng, chỉ cần một chiếc chậu hay thùng xốp, bạn có thể trồng ở ban công hay cửa sổ nhà bếp
Rau thì là giàu vitamin A và C cùng bốn loại flavonoid, bao gồm quercetin giúp ngăn ngừa và giảm viêm. Thì là giúp điều trị một số bệnh về đường tiêu hóa, ứ nước trong các cơ quan của cơ thể, chữa mất ngủ, giảm ho, chữa rối loạn kinh nguyệt, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim và còn góp phần chữa chứng trầm cảm.
5. Lá lốt
Lá lốt không chỉ là gia vị tuyệt vời cho các món ăn mà còn giúp chữa một số bệnh
Tạm quên đi món chả lá lốt thơm ngon đi, lá lốt còn có nhiều công dụng khiến bạn phải bất ngờ đấy. Loại lá này có công dụng với những người bị đau nhức xương khớp khi trời lạnh, đau bụng do lạnh, đầu gối sưng đau, ra nhiều mồ hôi ở tay; mụn nhọt lâu ngày không vỡ; phù thũng do thận hay tiêu chảy nhiều lần.
6. Tía tô
Thân, lá, rễ của cây tía tô đều có tác dụng chữa bệnh
Lá, cành, hạt của tía tô đều có thể dùng làm thuốc. Tía tô có tác dụng giải cảm, tiêu đờm, giải độc, chữa mẩn ngứa, chữa đau bụng hay tiêu chảy.
7. Gừng
Bên cạnh là gia vị cho các món ăn quen thuộc, gừng còn là cây thuốc nam quý
Gừng có rất nhiều công dụng, bên cạnh là gia vị cho các món ăn quen thuộc, gừng còn là cây thuốc nam quý. Cụ thể, gừng để chữa buồn nôn, chóng mặt hay đau bụng rất hiệu quả. Ngoài ra, trà gừng còn giúp làm ấm cơ thể hay làm dịu cơn ho nhanh chóng.
8. Đinh lăng
Cây đinh lăng càng lâu năm thì bộ rễ càng quý, tương đương như một loại nhân sâm.
Mọi bộ phận của cây đinh lăng đều được sử dụng như một vị thuốc tốt cho sức khỏe, nhất là lá và rễ. Lá đinh lăng giúp bồi bổ cơ thể, chống mệt mỏi, suy nhược; phòng bệnh co giật ở trẻ và một số bệnh về cơ khớp. Rễ đinh lăng thì giúp thông tia sữa, lợi sữa cho mẹ mới sinh con, chữa ho, chữa bệnh thiếu máu, phong thấp, tê nhức chân tay, chữa nhức đầu…