“Các bạn trẻ mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, không có profile nổi bật, vẻ bề ngoài không quá xuất sắc, cũng không nhanh mồm nhanh miệng, cái gì cũng bình thường thì làm thế nào để có thể net-working, kết nối với mọi người”, câu hỏi được đặt ra cho đồng sáng lập quỹ đầu tư Do Ventures – Lê Hoàng Uyên Vy tại một hội thảo của Forbes Việt Nam.
Dù là gương mặt quen thuộc tại nhiều sự kiện kinh doanh nhưng Lê Hoàng Uyên Vy thú nhận câu chuyện này thực ra cũng rất gần gũi với bản thân. Vy cho biết trước kia, khi còn học đại học, việc tham gia sự kiện là một cực hình và luôn cảm thấy rất lạc lõng, áp lực.
"Lúc ấy người bạn rất tốt của mình là internet. Mình lên Google, YouTube xem và phát hiện ra rằng không thể nào từ người không biết networking mà đột nhiên một ngày đẹp trời trở thành siêu sao trong việc này được.
Mình đặt ra những mục tiêu nhỏ. Còn nhớ lần đầu tiên net working trong trường, mình không nói chuyện với ai hết, sau đó đi về. Buổi tiếp theo, khi đã đọc đủ tài liệu trên mạng rồi thì bắt bản thân phải kết nối được với 3 người, làm quen và xin được email của họ. Buổi tiếp theo nâng mục tiêu thành 5 người. Có một thách thức nhỏ mình từng đặt cho bản thân, vì nói chuyện sơ qua thì dễ lắm, nhưng bây giờ nói chuyện với một người trong 5 phút. Việc này sẽ giúp mình tạo ra thói quen và kỹ năng nhiều hơn".
Nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Do Ventures cũng chia sẻ trải nghiệm đi sự kiện vào năm 24 tuổi.
"Khi ấy mình mong muốn được kí hợp đồng với doanh nghiệp thời trang. Hôm đó là thứ Năm, mình đi gặp một anh chủ nhãn hàng thời trang trẻ em rất nổi tiếng ở Việt Nam. Sau khi gặp và thuyết trình xong 5ph, anh ấy nói rằng ngay thứ Sáu hãy đến địa chỉ này, anh ấy sẽ giới thiệu cho ít nhất thêm 4 công ty nữa.
Hoá ra, hôm đó mình là khách mời của anh ấy trong sự kiện của BNI - một nhóm về kinh doanh rất có kỷ luật. Hôm đó có 30-40 người, mỗi người sẽ đưa theo 1-2 khách mời. Mình phải đứng dậy trong 2 phút để giới thiệu về công ty và đã rất khủng hoảng, lúc đứng dậy tim mình như sắp nhảy khỏi lồng ngực. Mình nói không xuất sắc nhưng cũng không quá tệ, khi ngồi xuống tay run khủng khiếp và không thể khống chế được. Đến cuối buổi, mình mới biết trong nhóm đó cũng không có ai làm về thời trang. Nhưng bản thân Vy rút ra 2 điều: đi một lần cho biết và coi như là thách thức lớn của bản thân. Cuối cùng mình xin gia nhập BNI và đồng hành cùng trong 1,5-2 năm.
Vy chia sẻ điều này để các bạn thấy rằng mình cũng xuất phát điểm là một người networking rất kém, nhưng phải đưa bản thân vào những tình thế khó khăn để buộc phải bước ra khỏi vùng an toàn".
Một vấn đề nhạy cảm khác mà nữ giới thường gặp trong các sự kiện, networking là kết nối với nam giới và uống bia rượu.
"Lúc ấy công ty cũng bé nhưng ở vai trò giám đốc, mình phải đi dự các sự kiện kinh doanh. Nhưng mình đi tới đâu mọi người đều hỏi "Em là thư ký của anh nào?". Dù đã đưa business card và giới thiệu nhưng không gây được ấn tượng cho họ. Sau này mình thiết kế một business card thật ấn tượng, trong đó một mặt là thông tin, một mặt in luôn hình của mình. Mình phải suy nghĩ để làm sao trở nên nổi bật, ấn tượng hơn, tạo cơ hội để giới thiệu về công ty.
Thứ hai, sau khi đi rất nhiều sự kiện mình để ý thấy khi diễn giả hỏi có ai đặt câu hỏi không thì phần lớn không ai giơ tay. Sau khi có một vài người đàn ông nói rồi thì quá trời người giơ tay. Mình nhận ra và áp dụng, ban đầu sẽ chăm chú lắng nghe diễn giả và giơ tay đầu tiên, đặt một câu hỏi đủ hấp dẫn. Mình đã làm rất nhiều lần và kết quả luôn đúng, rằng sau khi đặt câu hỏi, đến khi nghỉ giữa giờ thì tự nhiên sẽ có vài người chủ động đến nói chuyện. Đây là kinh nghiệm thật, phải tìm được cách gì đó để trở nên thu hút".
Về chuyện uống bia rượu, Lê Hoàng Uyên Vy cho rằng với một xã hội văn minh, nữ giới nên tự bảo vệ mình và sẵn sàng nói từ chối nếu không uống được. Các mối quan hệ, networking là cần thiết nhưng không phải điều quan trọng nhất để thành công. Cái khó nhất là sản phẩm của mình như thế nào, có tốt không. Việc kết nối rất tốt nhưng bản chất vẫn nằm ở sản phẩm, mô hình kinh doanh của công ty.